Sản phẩm bột rắc cơm Lâm Bình được Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh đánh giá,
nghiệm thu sản phẩm đạt chất lượng cao, tiềm năng.
Lâm Bình không chỉ được biết đến với nhiều thắng cảnh đẹp, lễ hội và phong tục độc đáo, mà còn có nhiều đặc sản của địa phương như cá lăng, trứng kiến, rau rừng, vừng đen… Các nguyên liệu này phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, nguồn nguyên liệu dồi dào đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mở rộng vùng trồng, sản lượng thì khâu tiêu thụ sản phẩm bắt đầu gặp khó khăn. Để hỗ trợ người dân trong tiêu thụ sản phẩm, ngoài việc thu mua nguyên liệu thô thì chế biến để đa dạng hóa sản phẩm là rất cần thiết.
Trước thực tế này, nhóm nghiên cứu của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch phối hợp với UBND huyện Lâm Bình thực hiện đề tài “Nghiên cứu giá trị dinh dưỡng, công thức phối trộn, chế biến sản phẩm bột rắc cơm từ các nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tạo sinh kế cho người dân, phục vụ phát triển du lịch”. Đề tài đánh giá giá trị dinh dưỡng của cá lăng, lạc sen đỏ, trứng kiến đen, rau húng rừng, rau ngót rừng; xây dựng quy trình công nghệ, công thức phối trộn, tạo ra được 3 loại sản phẩm bột rắc cơm, đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, tiện dụng.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông lâm ngư nghiệp Lâm Bình phấn khởi cho biết, với sự hỗ trợ của các chuyên gia, kỹ sư, HTX đã hoàn thiện cơ sở, dây chuyền sản xuất với các loại máy móc sản xuất hiện đại như: Máy hấp, sấy, nghiền, rang, trộn, đóng gói, cân điện tử… với năng suất máy 50 kg sản phẩm/mẻ, giá trị cao gấp nhiều lần so với bán sản phẩm nông sản thô. Dự án đã xây dựng thành công quy trình sản xuất 3 sản phẩm bột rắc cơm Lâm Bình là: Vị cá Lăng, vị trứng kiến đen, vị lạc sen đỏ. Điều đáng mừng, vừa qua, sản phẩm được Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh đánh giá, nghiệm thu sản phẩm đạt chất lượng cao, tiềm năng.
Sản phẩm bột rắc cơm Lâm Bình.
Hiện HTX Nông lâm ngư nghiệp Lâm Bình đã làm chủ công nghệ sản xuất tạo ra các sản phẩm bột rắc cơm Lâm Bình từ cá Lăng, trứng kiến đen, lạc sen đỏ. Song song với đó, HTX đã thử nghiệm và phát triển thêm các sản phẩm bột rắc cơm từ các nguồn thủy sản lòng hồ thủy điện như cá rô phi, cá trắm, cá mè... Ngoài ra, với các thiết bị được trang bị, cơ sở ứng dụng đã phát triển thêm các nông sản sấy khô; lạc rang nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tối ưu quá trình sản xuất.
Tiến sỹ Lê Hà Hải, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch khẳng định, mục tiêu đề tài nghiên cứu đã đạt được là tạo sản phẩm bột rắc cơm chủ yếu từ các nông sản địa phương, có giá trị dinh dưỡng, tiện lợi khi sử dụng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Sản phẩm có chất lượng tương đương với các sản phẩm bột rắc cơm của Hàn Quốc và Nhật Bản đang được lưu thông trên thị trường. Nhóm đề tài đang hỗ trợ HTX Nông lâm ngư nghiệp Lâm Bình đăng ký nhãn hiệu với Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đối với 2 sản phẩm bột rắc cơm từ cá Lăng, lạc sen đỏ; còn sản phẩm bột rắc từ trứng kiến đen đang được HTX đăng kí sản phẩm OCOP trong thời gian tới.
Thành công của việc tạo ra sản phẩm bột rắc cơm Lâm Bình giúp nâng cao giá trị cho nông sản, thêm sản phẩm phát triển du lịch, tăng thu nhập cho người dân, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lâm Bình
Gửi phản hồi
In bài viết