Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel cùng các đối tác đầu tư trao đổi đẩy nhanh tiến độ khai thác tuyến cáp ADC.
Thời điểm tháng 2-2023, thông tin cả 5/5 tuyến cáp quang biển quốc tế kết nối internet Việt Nam đi quốc tế là: IA (Intra Asia, còn gọi là Liên Á), SMW3 (See Me We 3), AAE-1 (Asia-Africa-Euro 1), AAG (Asia, America Gateway), APG (Asia Pacific Gateway) bị sự cố, chưa thể sửa chữa ngay không chỉ gây khó khăn cho người dùng, mà còn khiến dư luận trong nước lo lắng, đặt câu hỏi về an toàn thông tin… Tất nhiên, việc này không có nghĩa là chúng ta bị “cô lập” thông tin vì thực tế, chỉ có duy nhất tuyến APG là bị mất hoàn toàn kết nối, các tuyến còn lại chỉ bị mất kết nối ở một số hướng và vẫn duy trì kết nối đến các hub (điểm kết nối các thiết bị) quan trọng.
Với sự vào cuộc tích cực của Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng sự chủ động của nhà mạng trong nước (Viettel, VNPT, FPT, CMC, MobiFone) từ cuối tháng 2-2023, chất lượng internet đã dần ổn định. Hết tháng 5-2023, 4/5 tuyến cáp quang biển đã hoàn thành sửa chữa, khôi phục dung lượng trở lại. Còn lại tuyến APG dự kiến hoàn tất sửa chữa vào cuối tháng 6-2023.
Cũng phải nói thêm, trên tuyến APG có 4 nhà cung cấp trong nước khai thác (Viettel, VNPT, FPT, CMC). Khi APG gặp sự cố mất hoàn toàn kết nối, Viettel bị mất khoảng 3.000Gbps trong tổng dung lượng gần 12.000Gbps của nhà mạng kết nối internet đi quốc tế; VNPT mất khoảng 3.400Gbps trong tổng số 9.500Gbps kết nối quốc tế; các nhà mạng còn lại cũng bị ảnh hưởng nhất định. Riêng tuyến APG, phải đợi hoàn tất sửa chữa nhánh S7 (cách trạm cập bờ Đà Nẵng 206km) thì kết nối internet Việt Nam đi quốc tế mới được khôi phục, dù 3 sự cố trên tuyến đã được sửa chữa xong trước đó.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel cho biết, nhà mạng này hiện khai thác 4 tuyến cáp quang biển và 2 hướng cáp quang đất liền để cung cấp kết nối quốc tế với tổng dung lượng gần 12.000Gbps. Trong đó, Viettel dành dự phòng 40% dung lượng để sẵn sàng cho các tình huống đứt cáp, tránh ảnh hưởng đến trải nghiệm dịch vụ khách hàng, do vậy, sự cố không ảnh hưởng nhiều. Còn theo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), VNPT đã làm việc, đàm phán với các đối tác quốc tế mở thêm kênh kết nối trên đất liền; áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm kết nối quốc tế.
Song, sự cố hy hữu cả 5 tuyến cáp quang biển gặp sự cố cùng lúc chưa thể sửa chữa ngay đã khiến các nhà mạng xác định giải pháp lâu dài là tiếp tục triển khai thêm các tuyến cáp quang biển mới. Đại diện Viettel cho biết đã lên kế hoạch triển khai thêm 4 tuyến cáp quang biển từ nay đến năm 2030. Riêng tuyến cáp quang biển ADC (Asia Direct Cable) đã hoàn thành cập bờ và đang triển khai đấu nối.
Theo đại diện Tổng công ty Dịch vụ viễn thông, thuộc VNPT, trong thời gian qua, VNPT đã bổ sung và bảo đảm dự phòng đến 40% dung lượng internet quốc tế. Khi tuyến APG hoàn thành sửa chữa, tỷ lệ dự phòng dung lượng internet quốc tế của VNPT sẽ tăng lên đến 60%. Cùng với đó, VNPT đã, đang triển khai đầu tư thêm 4 tuyến cáp biển mới, trong đó tuyến SJC-2 (South East Asia - Japan 2) dự kiến đưa vào khai thác cuối năm nay, bổ sung thêm 18.000Gbps, giúp tăng lưu lượng quốc tế cho người dùng tại Việt Nam. Đầu tháng 6-2023, VNPT ký hợp tác với Tập đoàn Nokia để lần đầu tiên đưa công nghệ băng thông rộng tốc độ 10Gbps, triển khai ban đầu sẽ kết nối 10.000 hộ gia đình và doanh nghiệp tại 8 tỉnh, thành phố. Cùng với đó, VNPT đã tham gia nghiên cứu các tiêu chuẩn, thử nghiệm hướng tới Wifi thế hệ thứ 7 đa kết nối với tốc độ lên tới 30Gb/s.
Theo Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc, sau khi cơ quan quản lý cùng các nhà mạng triển khai đồng bộ các biện pháp, internet kết nối quốc tế gần như không bị ảnh hưởng, không có tình trạng nghẽn mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông sẽ đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng thêm 4-6 tuyến cáp quang biển mới để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Gửi phản hồi
In bài viết