Cụ thể, theo thống kê mới công bố của hãng nghiên cứu thị trường Canalys, có 287,4 triệu điện thoại thông minh được tiêu thụ trên khắp thế giới trong quý II-2022, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức thấp nhất trong hai năm vừa qua, bất chấp tình hình dịch Covid-19 chuyển biến tích cực hơn, cũng như những nỗ lực trong cải thiện chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh khó khăn chung, Samsung dẫn đầu thị trường với doanh số 61,8 triệu máy, tương đương 21% thị phần. Apple duy trì vị trí thứ hai với 49,5 triệu chiếc iPhone tới tay người tiêu dùng, tương đương 17% thị phần.
Về phần mình, Xiaomi đứng ở vị trí thứ ba với 39,6 triệu máy bán ra, trong khi OPPO và vivo nắm giữ hai “ghế” còn lại trong nhóm năm nhà sản xuất doanh số cao nhất - tương ứng 27,3 triệu máy và 25,4 triệu máy bán ra.
Theo giới chuyên môn, thị trường điện thoại thông minh đang trải qua làn sóng suy giảm doanh số thứ hai, sau khi phục hồi nhẹ vào năm 2021. Doanh số lao dốc đã ảnh hưởng lớn tới các nhà sản xuất đứng đầu bảng.
Một ví dụ là dù tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, thực tế doanh số Samsung giảm tới 16% so với quý I-2022 trong bối cảnh hệ thống phân phối của hãng tồn kho khá nhiều sản phẩm tầm trung.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, hãng điện tử Hàn Quốc đang phải áp dụng chiến lược giá quyết liệt, kết hợp với hàng loạt ưu đãi cho sản phẩm nhóm phổ thông (như dòng Galaxy A) và cắt giảm chi phí sản xuất để duy trì doanh số.
Cùng với đó, Samsung cũng tập trung kích cầu các dòng Galaxy S và điện thoại gập, bởi những sản phẩm cao cấp này đang chứng kiến doanh thu tăng lên tại các thị trường quốc gia phát triển.
Trong khi đó, phần lớn các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc được đánh giá là có phong độ ổn định hơn so với thời điểm này năm ngoái, dù việc nhiều thành phố ở quốc gia đông dân nhất thế giới bị phong tỏa thời gian qua khiến việc kinh doanh không mấy thuận lợi. Hầu hết các tên tuổi lớn trong nhóm này đều thay đổi đáng kể chiến lược kinh doanh nhằm thích ứng tính hình mới.
Giờ đây, Xiaomi chuyển hướng tập trung vào sản phẩm cao cấp (high-end) tại thị trường Trung Quốc, với động thái mới nhất là bắt tay cùng Leica để tung ra loạt sản phẩm mới trong quý III-2022.
Về phần mình, OPPO ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan tại châu Âu, nhờ nỗ lực tài trợ và kêu gọi tiêu dùng bền vững, khiến thương hiệu này nhận được sự chú ý.
Trong khi đó, Vivo với những bước tiến mới về cấu hình phần cứng - đặc biệt là máy ảnh tích hợp - khiến sản phẩm của hãng được đón nhận tại một số thị trường lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thời gian tới, giới chuyên môn đánh giá tình trạng thiếu hụt linh kiện không còn là yếu tố chi phối lớn nhất đối với thị trường điện thoại thông minh, trong bối cảnh hầu hết các nhà sản xuất gần đây đều cắt giảm đơn hàng, thậm chí đối mặt tình trạng dư thừa.
Thay vào đó, thách thức lớn nhất sẽ là nhu cầu suy giảm trong bối cảnh lạm phát gia tăng chóng mặt, bất ổn địa chính trị ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý tiêu dùng trên toàn cầu. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất phải tính toán chiến lược cẩn trọng hơn, đặc biệt về cung ứng và kế hoạch sản xuất.
Gửi phản hồi
In bài viết