Thị trường ô tô trong nước đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Cụ thể, báo cáo kết quả kinh doanh do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố ngày 13-11 cho thấy, tổng số xe toàn thị trường tiêu thụ trong tháng 10-2023 đạt 25.369 chiếc, xấp xỉ mức của tháng 9-2023 (đạt 25.375 xe).
Trong đó, doanh số xe lắp ráp trong nước đạt 16.414 xe, giảm 1% so với tháng trước. Doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 8.995 xe, tăng 2% so với tháng trước. Doanh số xe du lịch tiêu thụ tháng 10 giảm 0,2% so với tháng 9.
Không thuộc VAMA, tập đoàn Thành Công (TC GROUP) cho biết, nhờ các biện pháp giảm giá “khủng”, tổng số xe Hyundai bán ra tại Việt Nam trong tháng 10 khởi sắc, đạt 7.458 chiếc, tăng 24,8% so với tháng 9. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn đáng kể con số 8.174 xe của tháng 10-2022.
Như vậy, lượng ô tô tiêu thụ ở thị trường trong nước tiếp tục thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái (giảm khoảng 28%), bất chấp những nỗ lực kích cầu từ cả chính phủ và các doanh nghiệp, hệ thống phân phối.
Thực tế, theo chia sẻ của giới kinh doanh ô tô, lúc này là thời điểm các đại lý đang dồn sức chạy doanh số, dẫn tới tình trạng giá xe xuống thấp chưa từng có. Thậm chí, một số mẫu xe còn hạ giá để giành khách ở các phân khúc thấp hơn.
Chẳng hạn, giá Hyundai Stargazer giờ chỉ tương đương Hyundai Grand i10 Sedan 1.2 AT, trong khi Mazda CX-5 dù là mẫu xe thuộc phân khúc cỡ C nhưng sở hữu giá khởi điểm từ 749 triệu đồng, ngang ngửa với crossover cỡ B như Hyundai Creta (phiên bản cao cấp nhất giá 740 triệu đồng) hay Toyota Yaris Cross (giá 730 triệu đồng).
Nhiều đại lý đang coi đại hạ giá là phương án giải toả áp lực tồn kho, mở đường cho việc kinh doanh năm 2024 thuận lợi hơn.
Dù vậy, không thể phủ nhận cố gắng giảm giá lúc này đang “đổ dầu vào lửa” và gây áp lực tài chính rất lớn cho các đại lý bởi lượng xe tồn kho vẫn còn khá nhiều.
Hiện nhiều đại lý vẫn còn tồn xe từ 2022 đến nay chưa bán hết và những mẫu xe này được giảm giá hàng trăm triệu đồng so với các phiên bản sản xuất năm 2023.
Đơn cử, Subaru Outback xuất xưởng năm 2022 đang hưởng ưu đãi lớn nhất trị giá tới 440 triệu đồng, gồm 3 năm chi phí lãi suất vay 0%, 4 năm không chi phí bảo hiểm vật chất, bảo hành 5 năm không giới hạn số km, kèm quà tặng tiền mặt…
Các chuyên gia dự đoán, lượng tiêu thụ ô tô cả năm 2023 sẽ chỉ đạt khoảng 70% so với năm 2022, tương đương trên dưới 350.000 xe.
Tuy nhiên, sự suy giảm này được đánh giá sẽ đưa thị trường trở lại đúng quỹ đạo phát triển, tức phản ánh chính xác sức tiêu thụ ô tô dựa trên nhu cầu người tiêu dùng, sau một thời gian xáo trộn bất thường dưới tác động từ đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dù vậy, bên cạnh những thuận lợi và khó khăn đang hiện hữu, áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 được dự báo sẽ ở mức cao nhất trong 3 năm, tác động lớn lên hoạt động kinh doanh của ngành ô tô.
Vì thế, thời điểm này là lúc các hệ thống kinh doanh cần sớm vạch ra lộ trình phát triển phù hợp.
Gửi phản hồi
In bài viết