Doanh nghiệp sản xuất ô tô kỳ vọng giảm phí trước bạ cùng với giãn thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ kích thích tiêu dùng.
Nắng hạn gặp mưa rào
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ và các nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Dự kiến thời gian áp dụng từ ngày 1-7 đến hết 31-12-2023.
Theo Bộ Tài chính, chính sách này góp phần kích cầu mua ô tô của người dân, giúp nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn. Thực tế cho thấy, thời điểm năm 2020 và năm 2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước gặp khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến gián đoạn nguồn cung. Khi đó, nhu cầu mua xe của người dân vẫn nhiều, chưa chịu ảnh hưởng của lạm phát. Việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với
ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2020, 2021 đã khuyến khích các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước nối lại chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu mua xe của người dân. Số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ tăng mạnh, nên nguồn thu ngân sách nhà nước trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng cũng tăng lên đã bù đắp được phần giảm thu lệ phí trước bạ về mặt chính sách.
Doanh nghiệp sản xuất ô tô kỳ vọng, giảm phí trước bạ cùng với giãn thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ kích thích tiêu dùng, đồng thời giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực dòng tiền, có thêm thời gian và nguồn lực cân đối chi phí duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, mức độ tác động của ưu đãi đang là dấu hỏi lớn.
Doanh nghiệp "nín thở" chờ đợi
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc kinh doanh đại lý xe Mercedes-Benz tại Bình Dương Vĩnh Nam nhận định, đợt giảm lệ phí trước bạ lần này có thể không tạo ra sức hút lớn như những năm trước, bởi khó khăn chung của kinh tế mới là thứ đang kìm hãm người tiêu dùng. Chia sẻ quan điểm trên, một nhân viên kinh doanh xe Hyundai tại thành phố Vinh (Nghệ An) cho hay, rất khó thuyết phục người mua xe ô tô lúc này. Bất chấp xe mới đang được hưởng hàng loạt ưu đãi “khủng”, hầu hết phòng trưng bày ô tô hiện vắng vẻ, đối nghịch với cùng kỳ năm 2022.
Báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, lượng xe bán ra của các thành viên trong tháng 5-2023 chỉ đạt 20.726 xe, thấp hơn tới 53% so với tháng 5-2022. Cộng dồn 5 tháng đầu năm, lượng xe do các thành viên VAMA bán ra chỉ đạt 100.733 chiếc, thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm 2022 (163.399 xe). Dự kiến, doanh số ô tô năm 2023 có thể thấp hơn 17,5% so với năm 2022, tương đương khoảng 85.000 xe.
Trong bối cảnh đó, nhiều quan điểm cho rằng, ưu đãi lệ phí trước bạ có thể kích thích thị trường nhưng khó tạo đột phá thực sự. Cách tiếp cận này không giúp giảm giá xe tới tay người mua, mà ngược lại có thể tăng nhẹ. Nguyên nhân nằm ở chỗ, trong nỗ lực duy trì doanh số, nhiều mẫu ô tô từ đầu năm 2023 tới nay đã "đại hạ giá" chưa từng thấy, trung bình vào khoảng 12-15% giá niêm yết (tương đương cả trăm triệu đồng). Việc “tặng” cho khách hàng khoản tiền mặt tương đương lệ phí trước bạ cũng là mô hình khuyến mại ưa thích của nhiều thương hiệu. Chính việc duy trì mức ưu đãi quá lớn khiến hầu hết doanh nghiệp âm vốn kéo dài.
Đại diện một hệ thống đại lý ô tô tại thành phố Hồ Chí Minh cho hay, mỗi xe giao tới tay khách hàng hiện lỗ khoảng 1-2%. Do đó, giảm lệ phí trước bạ sẽ trở thành cơ hội để bù lỗ, giảm lỗ, hơn là thúc đẩy doanh số. Thực tế, hầu hết đơn vị kinh doanh ô tô đều xác nhận, sẽ cắt bớt các ưu đãi và giảm khuyến mại ngay khi Chính phủ có quyết định cuối cùng về lệ phí trước bạ. Về phía người tiêu dùng, quyết định mua ô tô mới tùy vào nhu cầu sử dụng, hầu như không chờ đợi xe giảm giá.
Có thể thấy, trong giai đoạn hiện nay, sức mua và tiêu dùng đều rất khác biệt so với bối cảnh trong giai đoạn năm 2020-2022. Vì thế, vào giai đoạn hiện nay, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước không giúp tăng thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Uớc tính, giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước lúc này có thể giảm thu ngân sách 8.000-9.000 tỷ đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết