Sự gia tăng đều đặn ở cả hai mảng trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đã hỗ trợ cho sự tăng trưởng trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Theo đó, sự gia tăng đều đặn ở cả hai mảng trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đã hỗ trợ cho sự tăng trưởng trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam.
Cụ thể, trái phiếu chính phủ của Việt Nam tăng 7,1% so quý trước, đạt 58,8 tỷ USD vào cuối tháng 12-2020, chiếm 82,8% tổng lượng trái phiếu của cả nước.
Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp cũng duy trì đà tăng trưởng, với mức tăng 13,6% so quý trước và 169,5% so cùng kỳ năm trước, đạt 12,2 tỷ USD.
Trên bình diện khu vực, theo báo cáo của ADB, lợi suất trái phiếu tại khu vực Đông Á mới nổi (trong đó có Việt Nam) gia tăng nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện và tiến triển trong tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Tới cuối năm 2020, các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ trong khu vực này đã tăng lên tới mức 20,1 nghìn tỷ USD, cao hơn 3,1% so quý trước và tăng 18,1% so cùng kỳ năm ngoái.
Quy mô của thị trường trái phiếu đã tăng tới mức tương đương 97,7% tổng sản phẩm nội địa của khu vực vào cuối quý IV năm 2020. Lượng phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ giữ vững ở mức 2 nghìn tỷ USD.
Trái phiếu chính phủ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng trái phiếu khu vực, ở mức 12,4 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 12-2020, trong khi trái phiếu doanh nghiệp tăng lên tới 7,7 nghìn tỷ USD.
Báo cáo cho biết, các đợt tiêm chủng vaccine đã bắt đầu tại hầu hết các thị trường trong khu vực, giúp củng cố lòng tin. Trong khi đó, tâm lý nhà đầu tư và các điều kiện tài chính cũng được cải thiện, giúp thúc đẩy hầu hết các thị trường vốn cổ phần và đồng tiền trong khu vực. Dòng vốn đổ vào các thị trường trái phiếu và vốn cổ phần của khu vực cũng phục hồi trong quý cuối cùng của năm 2020. Lợi suất trái phiếu chính phủ tại hầu hết các nền kinh tế phát triển và các thị trường Đông Á mới nổi cũng gia tăng trong giai đoạn từ ngày 31-12-2020 tới ngày 15-2-2021.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada nhận định, các thị trường trái phiếu ở Đông Á mới nổi tiếp tục tăng trưởng, huy động nguồn vốn cho việc phục hồi bền vững của khu vực sau đại dịch. Các chiến dịch tiêm chủng thành công, lập trường chính sách tiền tệ thích ứng và việc nới lỏng hạn chế đang thúc đẩy các hoạt động kinh tế và đẩy nhanh quá trình phục hồi lên mức cao hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết