Người dân xã Thiện Kế thu hoạch măng tây vào sáng sớm, thời điểm măng cho phẩm chất và dinh dưỡng cao nhất..
Ông Trần Văn Thái là người đã đưa giống măng tây về trồng thử nghiệm ở địa phương cách đây 3 năm. Ông chia sẻ, việc biết đến măng tây cũng là một cơ duyên tình cờ, trong một lần đi ăn cỗ ở thành phố Tuyên Quang ông được nếm thử loại rau này, thấy vị rất đặc biệt lại được biết đây được coi là loại rau “hoàng đế” có rất nhiều dinh dưỡng nên đã quyết định đi tìm hiểu về cách thức trồng, sản xuất. Ông đã dành nhiều thời gian đi tham quan mô hình trồng măng tây ở một số tỉnh miền Bắc, tổng hợp các kinh nghiệm trồng để về áp dụng tại địa phương.
Hiện nay, toàn bộ diện tích trồng măng tây 3ha, riêng xã Thiện Kế là 2,3ha. Ông cùng một số hộ gia đình đã thành lập Hợp tác xã Thái Thiện có trụ sở tại thôn Làng Thiện để cùng nhau trồng và phát triển cây măng tây, loại cây đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.
Trong 1 – 3 năm đầu, sản lượng thu hoạch măng tây còn thấp, nhưng từ năm thứ 4 thì cho thu hoạch cao và chất lượng hơn nhiều. Nếu biết cách chăm bón thì măng tây có thể cho thu hoạch suốt 20 – 30 năm.
Măng tây được sắp xếp, đóng gói ngay sau khi thu hái.
Ông Đặng Khánh Hoan, thôn Thiện Tân vui vẻ cho biết, đến nay ruộng măng tây có diện tích 6 sào của gia đình đã bắt đầu cho thu hoạch ổn định và đạt chất lượng tốt. Đầu tư ban đầu cho mỗi sào măng tây dù khá cao, tuy nhiên mỗi chu kỳ thu hoạch kéo dài từ 10-15 năm không phải trồng lại nên tính ra khá hiệu quả. Măng tây được gia đình ông thu hái vào lúc sáng sớm từ 4h – 8h sáng. Sau khi thu hoạch xong, măng cần được đem vào nơi thoáng mát ngay tránh để tiếp xúc với ánh nắng bởi nếu để ngoài nắng măng bị héo, mất nước ăn sẽ không còn ngon, ngọt và mất đi hương vị đặc trưng. Cây măng tây cho thu hoạch liên tục trong 15 ngày đầu, sau đó thì tạm ngưng 15 ngày để bón phân, cung cấp dinh dưỡng cho cây rồi mới tiếp tục thu hoạch tiếp. Sau 3 tháng thì ngưng hẳn, tiến hành đổi cây mẹ bằng cách tỉa bỏ cây già, mỗi bụi chỉ giữ lại 3 – 4 cây mẹ.
Chị Dương Thị Hạnh, thôn Cầu Xi cho biết, vất vả nhất đối với người trồng măng tây là việc phòng trừ sâu bệnh bởi loại cây này không được sử dụng thuốc hóa học. Nếu phát hiện sâu hại thường phải bắt bằng tay, nếu bị hại trên diện tích rộng chỉ được dùng các loại chế phẩm sinh học để diệt. Chị cùng nhiều bà con ở đây có khi phải đứng bắt sâu cho cây dưới nắng suốt nhiều giờ. Tuy nhiên cũng nhờ như vậy mà người tiêu dùng không cần lo ngại về thực phẩm không an toàn, cây măng tây luôn tươi sạch với độ giòn ngọt, hàm lượng dinh dưỡng cao.
Chăm sóc cho các khóm măng đang trong giai đoạn thu hoạch.
Cây măng tây của Hợp tác xã hiện đang được Công ty Nông sản Dũng Hà (Hà Nội) tiêu thụ, công ty cũng hỗ trợ bà con về cây giống và kỹ thuật chăm sóc. Giá măng luôn ổn định ở mức 50 nghìn đồng/kg với sản lượng bán ra một ngày đạt gần 80kg. Bên cạnh đó người dân cũng bán cho một số tiểu thương để thăm dò thị trường và nhận được những phản hồi rất tích cực.
Cây măng tây với hiệu quả kinh tế và đầu ra ổn định đang trở thành một trong những giống cây làm kinh tế chủ lực, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân xã Thiện Kế. Thời gian tới, ông Thái dự định sẽ mở rộng quy mô hợp tác xã, kết nạp thêm hội viên và tăng diện tích trồng măng tây ở các xã Sơn Nam, Ninh Lai, Hợp Hòa với mong muốn thương hiệu măng tây Thái Thiện sẽ ngày càng được nhiều người biết tới và loại rau đặc sản này sẽ xuất hiện nhiều hơn trong thực đơn hàng ngày của các gia đình.
Gửi phản hồi
In bài viết