Từ trái sang: Cố vấn an ninh quốc gia Saudi Arabia Musaad bin Mohammed al-Aiban, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị và Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani sau cuộc họp tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Từ trái sang: Cố vấn an ninh quốc gia Saudi Arabia Musaad bin Mohammed al-Aiban, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị và Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani sau cuộc họp tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Tuyên bố chung được các phái đoàn hai nước đưa ra sau các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cuối tuần qua nêu rõ: Iran và Saudi Arabia nhất trí nối lại các quan hệ ngoại giao, mở lại đại sứ quán và các phái đoàn ngoại giao ở mỗi nước trong vòng 2 tháng tới. Hai nước đã đồng ý kích hoạt lại hiệp ước hợp tác an ninh đã hết hiệu lực, các hiệp định thương mại, đầu tư và văn hóa...
Các cuộc đàm phán tìm giải pháp tháo gỡ những vấn đề trong quan hệ song phương đã diễn ra từ ngày 6-3 tại Bắc Kinh giữa Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani, Cố vấn an ninh quốc gia Saudi Arabia Musaad bin Mohammed al-Aiban và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị. Saudi Arabia, Iran và Trung Quốc bày tỏ mong muốn thực hiện mọi nỗ lực nhằm tăng cường hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.
Iran và Saudi Arabia đã có một lịch sử đầy sóng gió trong vòng chưa đầy một thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Mối quan hệ này cũng chứng kiến nhiều thăng trầm kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị gián đoạn sau khi xảy ra vụ việc người biểu tình Iran tấn công trụ sở các phái đoàn ngoại giao Saudi Arabia tại Iran vào năm 2016. Việc Iran - Saudi Arabia “đóng băng” quan hệ đe dọa sự ổn định và an ninh ở vùng Vịnh, thậm chí châm ngòi xung đột ở Trung Đông từ Yemen tới Syria. Do đó, mối quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia được cải thiện có thể có tác động đến chính trị trên khắp Trung Đông.
Các nhà phân tích nhận định, tình hình an ninh trong khu vực, như ở Yemen và Lebanon trở nên xấu đi và bị ảnh hưởng khi hai quốc gia có những khác biệt. Thỏa thuận này có thể dẫn đến việc tạo ra một tình hình an ninh tốt hơn trong khu vực. Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani nhấn mạnh, xóa bỏ những hiểu lầm trong quan hệ giữa Tehran và Riyadh chắc chắn sẽ dẫn đến việc cải thiện sự ổn định và an ninh cho “chảo lửa” Trung Đông cũng như tăng cường hợp tác giữa các quốc gia vùng Vịnh và thế giới Hồi giáo để cùng giải quyết những thách thức hiện tại.
Về phía Iran, việc hàn gắn quan hệ với một quốc gia đối đầu trong khu vực sẽ là một động thái đáng hoan nghênh sau nhiều tháng bất ổn nội bộ.
Giới phân tích nhận định, với thành công trong vai trò trung gian để Saudi Arabia và Iran thiết lập lại quan hệ ngoại giao, Trung Quốc đã đặt dấu ấn đáng kể trong việc góp phần tạo nên ổn định ở Trung Đông. Các cuộc đàm phán về nối lại quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia đã được bắt đầu vào tháng 4-2021 và đi đến kết quả tích cực nhờ những nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã đến thăm Saudi Arabia vào tháng 12-2022 và tiếp đón Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vào tháng 2 vừa qua. Trên thực tế, những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Iran và Saudi Arabia. Tuy nhiên, nỗ lực “xây cầu” lần này là dấu hiệu Bắc Kinh sẽ tham gia nhiều hơn vào các cam kết ngoại giao ở Trung Đông.
Thỏa thuận thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa Tehran và Riyadh đã được chào đón với sự lạc quan của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế. Liên hợp quốc hoan nghênh việc nối lại quan hệ và cảm ơn vai trò của Trung Quốc. Về phía Mỹ, Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nói: “Chúng tôi hoan nghênh bất kỳ nỗ lực nào nhằm giúp làm giảm căng thẳng ở khu vực Trung Đông...”.
Gửi phản hồi
In bài viết