Tiêm vắc-xin cho trẻ em tại vùng Kurdistan, Iraq. (Ảnh UNICEF)
Theo cơ quan của Liên hợp quốc về chăm sóc sức khỏe toàn cầu, châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 37 quốc gia đang đối mặt tình trạng thiếu nhân viên y tế.
Hệ thống y tế bị gián đoạn do thiếu nhân lực sẽ cản trở tiến trình hướng tới mục tiêu về chăm sóc sức khỏe toàn cầu năm 2030, một trong những cam kết chính trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Tiến sĩ Jim Campbell, Giám đốc phụ trách chính sách nhân viên y tế của WHO cho biết, nhiều nước trên thế giới, thí dụ như các quốc gia vùng Vịnh hay một số quốc gia có thu nhập cao của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có truyền thống phụ thuộc vào lực lượng lao động quốc tế. Các quốc gia này đã đẩy nhanh việc tuyển dụng các nhân viên y tế để tăng cường nỗ lực ứng phó đại dịch Covid-19 cũng như bù đắp sự thiếu hụt nhân lực trong thời kỳ dịch bệnh.
Sự gia tăng nhu cầu về nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe ở các quốc gia có thu nhập cao góp phần làm tăng tính dễ bị tổn thương ở các quốc gia vốn đã có mật độ lực lượng lao động y tế thấp. Vì vậy, WHO đã ban hành danh sách các nước cần được bảo vệ và hỗ trợ về lực lượng lao động y tế.
Nhóm chuyên gia tư vấn của WHO kêu gọi các quốc gia điểm đến hàng đầu và các đối tác phát triển quan tâm đến việc cung cấp các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ liên quan đến lực lượng lao động y tế, cam kết tài trợ linh hoạt trong nhiều năm để thực hiện Bộ quy tắc toàn cầu về tuyển dụng nhân viên y tế quốc tế như một lợi ích công cộng toàn cầu.
Giới chức WHO cho biết, phần lớn các quốc gia tôn trọng các điều khoản của Bộ quy tắc toàn cầu về tuyển dụng nhân viên y tế thông qua việc không tuyển dụng nhân lực từ các quốc gia dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, một số thị trường tuyển dụng tư nhân không tuân thủ quy tắc trên.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi tất cả các quốc gia tôn trọng các điều khoản trong danh sách hỗ trợ và bảo vệ lực lượng lao động y tế của WHO.
Nhấn mạnh nhân viên y tế là "xương sống" của mọi hệ thống y tế, Tổng Giám đốc WHO nêu rõ về thực trạng 55 quốc gia có hệ thống y tế yếu nhất thế giới không có đủ nhân viên y tế và đang mất dần đi nhân lực.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố báo cáo dựa trên dữ liệu thu thập được từ 90 nước cho thấy, các ngành then chốt ở một số quốc gia đang đối mặt tình trạng thiếu nhân lực, do người lao động ngày càng miễn cưỡng tham gia các công việc không được xã hội đánh giá đúng, đủ, công bằng và không được trả lương xứng đáng cũng như phải làm việc trong điều kiện tồi tệ.
Phân tích các lĩnh vực then chốt như y tế, bán lẻ, thực phẩm, an ninh, vận tải... ILO cảnh báo, nếu điều kiện làm việc không được cải thiện thì tình trạng thiếu lao động sẽ trầm trọng hơn, đồng nghĩa việc các dịch vụ cơ bản có thể sẽ gặp nguy hiểm.
ILO khuyến cáo nếu các quốc gia muốn tự bảo vệ mình khỏi cuộc khủng hoảng toàn cầu có thể xảy ra trong tương lai thì cần khẩn trương trả lương xứng đáng và tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho những người lao động trong các lĩnh vực thiết yếu giúp duy trì gia đình, xã hội và nền kinh tế.
Gửi phản hồi
In bài viết