Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi sự đoàn kết của cả nước để nâng cao chất lượng công việc và cải thiện đời sống.
Ngày 14/4, Hội đồng Hiến pháp của Pháp đã phê chuẩn các phần chính của dự luật cải cách hưu trí trong đó có việc nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64. Chỉ vài giờ sau đó, Tổng thống Emmanuel Macron đã ký ban hành luật này dù tất cả đảng phái đối lập và giới công đoàn cũng như một bộ phận dân chúng phản đối kịch liệt.
Trước tình hình đó, Tổng thống Pháp có bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình với người dân nhằm khôi phục uy tín bị giảm sút nhiều sau suốt ba tháng khủng hoảng xã hội do biểu tình trên cả nước nhằm phản đối cải cách này.
Tổng thống Pháp thừa nhận rằng "cải cách này rõ ràng không được đa số người lao động chấp nhận", tuy nhiên cần phải có một số thay đổi như tăng tuổi nghỉ hưu vì số lượng người nghỉ hưu sẽ tăng, tuổi thọ cũng sẽ tăng và không thể giảm lương hưu. Ông khẳng định là hiểu rõ những khó khăn và sự tức giận của người dân hiện nay do giá cả tăng cao.
Vì vậy, ông Emmanuel Macron đưa ra ba ưu tiên để "hành động và xoa dịu" sự tức giận của người dân trong vòng 100 ngày tới.
Theo đó, Thủ tướng Elisabeth Borne sẽ được giao nhiệm vụ để xây dựng lộ trình thực hiện ba dự án lớn ngay từ tuần tới, trước tiên là nâng cao chất lượng làm việc thông qua đối thoại giữa các nghiệp đoàn và người sử dụng lao động.
Tổng thống Pháp nhấn mạnh, các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào nâng cao thu nhập của người lao động, thúc đẩy nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc. Ông khẳng định rằng "cánh cửa đối thoại sẽ luôn rộng mở cho các nghiệp đoàn".
Dự án thứ hai là công lý và pháp quyền. Theo đó, từ tháng 5, các biện pháp mạnh sẽ được triển khai để chống tình trạng phạm pháp, hành vi gian lận xã hội hay thuế, đồng thời tăng cường kiểm soát nhập cư bất hợp pháp.
Cuối cùng là xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, trong đó có việc cải thiện các dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Tổng thống Pháp mong muốn nền giáo dục của nước Pháp sẽ trở thành một trong những nền giáo dục tốt nhất ở châu Âu, trong đó giáo viên sẽ được trả lương cao hơn và học sinh sẽ được hỗ trợ nhiều hơn.
Tổng thống Pháp tin tưởng rằng, tới ngày Quốc khánh 14/7 sẽ có những chuyển biến tích cực từ việc thực hiện các ưu tiên trên.
Ngay sau bài phát biểu của Tổng thống, các đảng phái cũng như công đoàn cho rằng người đứng đầu nước Pháp không lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của người lao động, chỉ đưa ra cam kết và lời hứa.
Biểu tình diễn ra ở Paris sau bài phát biểu của Tổng thống Pháp. (Ảnh: AP)
Chủ tịch đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR), ông Eric Ciotti, cho rằng cam kết của Tổng thống chưa đủ để xoa dịu sự tức giận của những người phản đối cải cách hưu trí. Đại diện các đảng cánh tả có chung ý kiến rằng việc áp dụng luật cải cách hưu trí sẽ chỉ làm cho khủng hoảng xã hội thêm trầm trọng.
Còn các nghiệp đoàn Pháp ra thông cáo chung, chỉ trích Tổng thống "vẫn không hiểu rằng cải cách hưu trí là nguồn gốc của cơn tức giận lan khắp cả nước", đồng thời khẳng định quyết tâm tiếp tục biểu tình phản đối cải cách này.
Gửi phản hồi
In bài viết