Các đại biểu tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, sáng 28/7. Ảnh: QUANG HOÀNG
Các đại biểu Quốc hội sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết.
Kết quả biểu quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử có 474/476 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng tỷ lệ 94,99 tổng số đại biểu Quốc hội.
Trước khi tiến hành biểu quyết toàn bộ Nghị quyết, các đại biểu đã biểu quyết riêng Điều 2. Kết quả có 475/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng tỷ lệ 95,19 tổng số đại biểu Quốc hội.
Mục tiêu tổng quát được quyết nghị tại Nghị quyết vừa được Quốc hội chính thức thông qua là tiếp tục thực hiện cơ cấu lại đầu tư công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước; tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội; góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025.
Các mục tiêu cụ thể: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 32-34% GDP, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm khoảng 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội;
Tỷ trọng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước khoảng 28%, phấn đấu khoảng 29% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trong đầu tư công;
Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 90% kế hoạch Quốc hội giao; số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.
Nghị quyết gồm 8 Điều, trong đó, Điều 2 của Nghị quyết có nội dung về tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025
Theo đó, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách trung ương 1.500.000 tỷ đồng, bao gồm: vốn trong nước 1.200.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng; Vốn cân đối ngân sách địa phương 1.370.000 tỷ đồng.
Dự phòng 10% kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương theo từng nguồn vốn để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn.
Dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 do Hội đồng nhân dân các cấp quyết định theo thẩm quyền được quy định tại khoản 6 Điều 51 của Luật Đầu tư công.
Về phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn, số vốn phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương như sau: Phân bổ vốn ngân sách trung ương 1.090.014,445 tỷ đồng; Vốn ngân sách địa phương 1.233.000 tỷ đồng; Đối với số vốn ngân sách địa phương còn lại chưa phân bổ chi tiết 137.000 tỷ đồng, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện phương án phân bổ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi giao kế hoạch.
Phân bổ chi tiết nguồn vốn ngân sách trung ương theo từng ngành, lĩnh vực cho từng Bộ, cơ quan trung ương và mức vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho từng địa phương theo Phụ lục kèm theo Nghị quyết.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia và Dự án quan trọng quốc gia: Bố trí 100.000 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó: a) Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 50.000 tỷ đồng; b) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 30.000 tỷ đồng; c) Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 20.000 tỷ đồng.
Bố trí 65.795,847 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục thực hiện 03 dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, gồm: Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 1) và Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Bố trí 38.738 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 để đầu tư Dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Đối với số vốn 78.719 tỷ đồng để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, dự án trọng điểm khác: Giao chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án quan trọng quốc gia và mức vốn bố trí cho từng dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, không chia nhỏ dự án…
Gửi phản hồi
In bài viết