Thu BHXH, BHYT: Dốc sức cuối năm

- Năm 2021 là một năm đầy khó khăn do đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến các ngành, lĩnh vực kinh tế và toàn xã hội. Nhằm thực hiện mục tiêu thu nợ BHXH, BHYT, toàn ngành BHXH đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ thu BHXH, BHYT của tỉnh đã đạt 97,45% kế hoạch BHXH Việt Nam giao.

Cơ quan BHXH đã thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở thu hồi nợ. Cùng với đó triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về những quy định BHXH, BHYT. BHXH tỉnh đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí của tỉnh đã tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của các đơn vị sử dụng lao động. BHXH các huyện, thành phố cũng thường xuyên bám sát, đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động trích nộp BHXH, BHYT đúng hạn theo quy định. Tính đến hết ngày 30/11/2021, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là 53,047 tỷ đồng, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phạm Quang Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú cho biết, hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc duy trì đóng BHXH cho người lao động, công ty thực hiện đóng đầy đủ, thường xuyên theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng như thể hiện trách nhiệm của công ty trong việc đảm bảo an sinh xã hội gắn với phát triển kinh tế.

Công ty cổ phần May Yên Sơn thực hiện tốt việc rà soát, đóng BHXH đầy đủ cho người lao động.

Bên cạnh việc tổ chức kiểm tra, thanh tra đột xuất, lập biên bản xử phạt vi phạm đối với các đơn vị nợ BHXH, BHYT, việc công khai danh tính các đơn vị nợ đọng trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được thực hiện kịp thời, đảm bảo công khai, minh bạch. Tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp trả nợ theo kiểu “nhỏ giọt”, một số doanh nghiệp khác không có khả năng trả nợ do gặp khó khăn trong quá trình sản xuất. Điển hình như Công ty cổ phần Kim loại mầu Tuyên Quang, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và đầu tư Hòa An, Công ty cổ phần Chè Tân Trào… Ngoài ra, còn 74 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể khác trên địa bàn tỉnh mặc dù không còn lao động tham gia BHXH nhưng vẫn còn số nợ từ những năm trước.

Trước tình hình đó, BHXH tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị làm rõ nguyên nhân nợ đọng BHXH. Theo đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh; một số đơn vị khác do nợ đọng kéo dài nên số tiền chuyển sang năm sau ngày càng lớn khó có khả năng chi trả; một số ít doanh nghiệp không còn hoạt động trên địa bàn nên khó đôn đốc thu nợ… Mặt khác, nhận thức của một số chủ sở hữu và người lao động về chính sách BHXH còn hạn chế, một số lao động do cần có việc làm và thu nhập nên chưa quan tâm đến việc trích đóng BHYT, BHXH…

Theo bà Hà Thị Nhung, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, thời gian tới, để thực hiện tốt mục tiêu thu, thu nợ, ngành tiếp tục phân công cán bộ chuyên quản trực tiếp nắm tình hình nợ tại các đơn vị sử dụng lao động để kịp thời đôn đốc, thu nợ. Đối với các doanh nghiệp nợ kéo dài, bên cạnh việc thực hiện thanh tra đột xuất, cơ quan BHXH tỉnh sẽ hoàn thiện hồ sơ chuyển sang cơ quan công an để xử lý theo quy định đối với các đơn vị trốn đóng, cố tình chậm đóng làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.

Bằng những cách làm quyết liệt, BHXH tỉnh đã nỗ lực giảm nợ đọng BHXH, BHYT. Qua đó góp phần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.  

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục