Cả 3 người trong gia đình anh N.T.H., thôn Xây Dựng, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) bị nhiễm Covid-19 được cách ly, điều trị tại nhà. Anh H chia sẻ, để giữ an toàn cho các thành viên khác trong gia đình, anh, con và bố anh bị nhiễm Covid-19 được bố trí riêng khu vực để sinh hoạt. Nguồn rác thải như: Khẩu trang, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, găng tay... cũng được phân loại bỏ riêng vào túi nilon buộc lại trước khi mang ra cho nhân viên môi trường thu gom.
Công nhân môi trường thu gom rác thải y tế từ những hộ có F0 điều trị tại nhà.
Chị H.B.L, tổ 2, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cũng bị nhiễm Covid-19, được ngành y tế kiểm tra đủ điều kiện theo dõi và điều trị tại nhà. Chị L. bảo, cán bộ trạm Y tế phường đã hướng dẫn chị cách điều trị, vệ sinh, sát khuẩn. Đặc biệt nguồn rác thải từ quá trình điều trị phải được phân loại, khử khuẩn cẩn thận tránh lây nhiễm sang người thân và cộng đồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý thức như vậy.
Chị Nguyễn Thị Viết Thanh, Đội môi trường số 3, Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang chia sẻ, số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà tăng lên theo ngày, tuy nhiên số hộ có ý thức phân loại rác thải y tế là không nhiều. Theo chị Thanh, ngay tại tổ 2, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) khu vực chị đảm nhận thu gom rác thải có trên 20 hộ căng dây, treo biển phong tỏa nhưng chỉ 1 số ít hộ phân loại rác thải y tế, rác thải sinh hoạt để chị nhận biết, nhiều hộ khác chỉ có 1 thùng rác để ra lề đường, khẩu trang, mẫu xét nghiệm nhanh, găng tay y tế...vứt cả vào rác thải sinh hoạt thông thường. Để đảm bảo an toàn cho chính mình, chị Thanh chỉ còn biết đến việc đeo thêm lớp khẩu trang và găng tay để thu gom, phân loại rác thải nguy hiểm này.
Theo bà Nguyễn Thị Linh Nhâm, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang công tác quản lý, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt của người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà hiện gặp nhiều khó khăn. Trong đó, có thể nói tới các trường hợp F0 điều trị tại nhà nằm rải rác trên từng địa bàn, khiến thời gian thu gom có thể kéo dài, chi phí vận chuyển tăng cao. Bên cạnh đó, không chỉ lực lượng thu gom rác thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết thiếu mà số lượng các thiết bị bảo hộ, thiết bị khử khuẩn trang bị cho nhân viên thu gom cũng rất hạn chế.
Hiện nay, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc có thể sẽ tăng thêm, F0 điều trị tại nhà cũng tăng. Ông Phùng Thế Hiệu, Phó Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện ngành đã xây dựng hướng dẫn quy trình thu gom, phân loại rác thải y tế từ các hộ gia đình có F0 đang điều trị tại nhà. Theo đó, việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải phải đảm bảo theo đúng quy định của Bộ Y tế như tại các khu cách ly tập trung. Tức là rác phải được thực hiện phân loại và khử khuẩn trước khi nhân viên môi trường đến thu gom, xử lý tránh lây nhiễm.
Nỗ lực của các cơ quan chức năng, các đơn vị chuyên môn và lực lượng phụ trách về vệ sinh môi trường thực sự là chưa đủ trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp. Do vậy rất cần sự chung tay, góp sức của mỗi người dân, mỗi gia đình, đặc biệt là những người bệnh và gia đình có F0 điều trị tại nhà, dù được nhắc nhở hay không, cũng có thể tự tìm hiểu và thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm, nhằm tránh những rủi ro lây lan trong cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết