Đại biểu Quốc hội nghe các báo cáo quan trọng sáng 22/7. Ảnh: DUY LINH
Ngân sách Trung ương và địa phương đều tăng
Theo báo cáo của Chính phủ, ngân sách Trung ương tăng (gồm cả nguồn viện trợ) 33.450,42 tỷ đồng; ngân sách địa phương tăng 108.861,169 tỷ đồng. Trong đó thu nội địa (không bao gồm thu từ dầu thô) tăng 8,9% (104.488,313 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu nhờ: tăng thu về nhà đất (78.181,321 tỷ đồng), tăng thu từ thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (24.834,795 tỷ đồng).
Thu dầu thô tăng 26,1% (11.650,723 tỷ đồng) so với dự toán; chủ yếu do giá dầu thanh toán bình quân đạt 67,5 USD/thùng, tăng 2,5 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán (giá dự toán là 65 USD/thùng); sản lượng thanh toán đạt 11,04 triệu tấn, vượt 5,8% (610 nghìn tấn) so với dự toán.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: Dự toán 189.200 tỷ đồng, quyết toán 214.239,255 tỷ đồng (đã bù trừ số hoàn thuế giá trị gia tăng là 133.042,869 tỷ đồng), vượt 25.039,255 tỷ đồng so với dự toán
Theo báo cáo của chính phủ, dự toán chi ngân sách nhà nước (NSNN) 1.633.300 tỷ đồng, quyết toán 1.526.892,949 tỷ đồng, bằng 93,5% (giảm 106.407,051 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do một số khoản chi triển khai chậm nên bị hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp theo quy định của Luật NSNN. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện chi ngân sách bám sát mục tiêu, dự toán được giao, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Trong quyết toán chi NSNN thì Chi đầu tư phát triển bằng 98% (giảm 8.520,216 tỷ đồng) so với dự toán; Chi trả nợ lãi giảm 17.819,288 tỷ đồng so với dự toán, chủ yếu do dư nợ trái phiếu Chính phủ và lãi suất bình quân phải trả lãi trong năm 2019 thấp hơn dự toán; Chi phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hóa, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; quản lý hành chính bằng 95,5% (giảm 47.168,818 tỷ đồng) so với dự toán.
Trên cơ sở các nội dung đã báo cáo, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2019 như sau:
Tổng số thu cân đối NSNN là 2.139.639,446 tỷ đồng, trong đó số thu NSNN theo dự toán là 1.553.611,589 tỷ đồng, thu chuyển nguồn năm 2018 sang năm 2019 là 434.356,624 tỷ đồng, thu từ kết dư năm 2018 là 150.570,478 tỷ đồng và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN là 1.100,755 tỷ đồng;
Tổng số chi cân đối NSNN là 2.119.541,763 tỷ đồng, trong đó chi NSNN theo dự toán là 1.526.892,949 tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2020 là 592.648,814 tỷ đồng;
Bội chi NSNN 161.490,730 tỷ đồng, bằng 2,67% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP 177.193,703 tỷ đồng).
Nhiều khoản hụt thu
Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 do Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày trước Quốc hội cho biết, mặc dù thu ngân sách nhà nước tăng 10,1% so với dự toán giao; bằng 108,5% thực hiện năm 2018, song kết quả tăng thu nội địa chủ yếu từ tiền sử dụng đất 63.738 tỷ đồng; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước 24.834 tỷ đồng và phát sinh một số khoản thu ngoài dự toán.
Trong khi đó, một số khoản thu chính từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nội địa đều hụt thu so với dự toán giao (và là tình trạng diễn ra trong 3 năm liên tục). Bên cạnh đó, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, dẫn đến tính thiếu thuế GTGT, thuế TNDN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… vẫn diễn ra khá phổ biến tại các đơn vị được kiểm toán, Kiểm toán nhà nước xác định tăng thêm 5.103 tỷ đồng. Tình trạng nợ thuế chậm được khắc phục, trong đó: Nợ thuế do cơ quan thuế quản lý đến 31/12/2019 là 99.705 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2018. Nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý quá hạn đến 31/12/2019 là 7.047 tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2018.
Về chi ngân sách nhà nước, qua kiểm toán chi tiết cho thấy, công tác quản lý đầu tư xây dựng của một số dự án còn sai sót trong từng khâu của quy trình quản lý đầu tư, nhất là công tác nghiệm thu, thanh toán và quản lý tiến độ.
Theo Kiểm toán nhà nước tỷ lệ chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi NSNN; mặt khác, một số khoản chi sự nghiệp quan trọng có tỷ lệ thực hiện thấp như: (i) Chi bảo vệ môi trường từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện bằng 34,8% so với dự toán; (ii) Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ của nhiều địa phương đạt tỷ lệ thấp dưới 60%.
- Một số khoản kinh phí viện trợ chưa có dự toán đã được các bộ, cơ quan trung ương tiếp nhận song chưa được rà soát, trình cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán chi kịp thời 1.626,3 tỷ đồng.
Kiểm toán nhà nước kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính: (i) Tổ chức rút kinh nghiệm việc lập báo cáo Quyết toán NSNN năm 2019 chậm so với quy định; (ii) Nghiên cứu xây dựng: cơ chế nộp và tỷ lệ nộp NSNN đối với số chênh lệch thu chi từ hoạt động nghiệp vụ ngân quỹ; quy định, hướng dẫn về phương pháp, cách thức tính và lập dự toán hỗ trợ bổ sung có mục tiêu để bù mặt bằng chi cho ngân sách địa phương.
Chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ: (i) Giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương cho một số dự án tại các địa phương chưa phù hợp phạm vi, đối tượng của Chương trình 266,397 tỷ đồng; (ii) Bổ sung vốn dự phòng ngân sách Trung ương chậm dẫn đến các địa phương không thể triển khai phân bổ được trong năm 2018 nên phải kéo thời hạn giải ngân đến hết 31/12/2020 số tiền 2.097 tỷ đồng; (iii) Bố trí dự toán năm cho các dự án chưa đủ điều kiện (dẫn đến dự toán chi đầu tư phát triển chưa phân bổ là 16.861,168 tỷ đồng); giao kế hoạch vốn chậm, nhiều lần sau thời điểm 20/12/2018 chưa phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 66 Luật Đầu tư công.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trong Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 cho biết, năm 2019, kinh tế thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, trong nước có nhiều khó khăn do thiên tai, biến đổi khí hậu. Nhưng với quyết tâm cao của hệ thống chính trị và nhân dân nên nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã hoàn thành toàn diện với 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Thu NSNN vượt dự toán đáp ứng nhu cầu chi; bội chi giảm, nợ công trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, kỷ luật kỷ cương tài chính - ngân sách có tiến bộ nhưng nhìn chung còn chưa nghiêm, sai phạm ở cả 3 khâu của chu trình ngân sách chưa được khắc phục triệt để như: giao dự toán thu, chi không sát; phân bổ vốn đầu tư chậm; các khoản thu quan trọng không đạt dự toán; kê khai thiếu thuế phải nộp vẫn diễn ra; giải ngân vốn đầu tư chậm; chi sai chế độ, định mức.... Một số giải pháp đề ra chưa được thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả chưa cao như: Đổi mới cơ chế tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp lại hoạt động các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chậm; điều chỉnh chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế để cơ cấu lại NSNN chưa bảo đảm yêu cầu... Chính phủ cần nhìn nhận, phân tích, đánh giá nguyên nhân để có giải pháp phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.
Gửi phản hồi
In bài viết