Thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn được hoàn thiện quá chậm

Trong 3 năm (2021-2023), Chính phủ vẫn còn 7% kế hoạch đầu tư trung hạn chưa được giao, dẫn đến kéo dài thời gian giao vốn, ảnh hưởng tiến độ thực hiện giải ngân và hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.

Vì sao kế hoạch đầu tư công trung hạn còn chậm?

Chiều 23/10, báo cáo thẩm tra về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn quá chậm.

Từ 2021-2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến nhiều lần trước khi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhưng Chính phủ vẫn còn 7% kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được giao.

Nguyên nhân chính là do các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư. Điều này dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian giao vốn, ảnh hưởng tiến độ thực hiện giải ngân và hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, cho biết:

Về phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn, triển khai Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội, trên cơ sở tổng mức vốn 2,87 triệu tỷ đồng, Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đạt khoảng 90% tổng mức vốn được Quốc hội cho phép phân bổ (2,72 triệu tỷ đồng).

Số vốn còn lại là 190.049,202 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 53 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải thích thêm: Lý do chính khiến 53 nghìn tỷ đồng này vẫn chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ là bởi chưa xác định được nhiệm vụ, dự án cụ thể hoặc chưa hoàn thiện được thủ tục đầu tư để phân bổ.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cũng ghi nhận những kết quả tích cực Chính phủ đã đạt được trong 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư công đã tập trung bố trí các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền.

Giải pháp đề xuất thúc đẩy đầu tư công trung hạn

Từ những phân tích, đánh giá đã đưa ra, Ủy ban Tài chính, ngân sách kiến nghị:

Một là, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiêm túc thực hiện quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội.

Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Hai là, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm chất lượng công trình, dự án, sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, không thất thoát, lãng phí nguồn ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn, sửa đổi, bổ sung các quy định để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đầu tư công và các luật liên quan.

Ba là, Chính phủ rà soát kỹ tình hình phân bổ vốn, giải ngân vốn đã phân bổ (2.42/2.72 triệu tỷ đồng), trên cơ sở đó điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Bốn là, đối với dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: Đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ khả năng giải ngân số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được giao và khả năng hoàn thành thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025, báo cáo Quốc hội xem xét khi cân đối được nguồn vốn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.

Số vốn chuyển về dự phòng theo Nghị quyết của Quốc hội: Khẩn trương có phương án phân bổ, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đề nghị cân nhắc cho phép phân bổ cho các dự án quan trọng có khả năng giải ngân, ưu tiên các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn thiếu vốn và các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục