Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên phải) và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen trong cuộc gặp
tại Copenhagen (Đan Mạch) ngày 3-5.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên phải) và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen trong cuộc gặp tại Copenhagen (Đan Mạch) ngày 3-5.
Trong một tuyên bố trước thềm chuyến thăm Berlin, Copenhagen và Paris (từ ngày 2 đến 4-5), Thủ tướng N.Modi cho biết, những cam kết của ông với chính phủ mới của Đức, các nước Bắc Âu và chính phủ Pháp sau khi Tổng thống Emmanuel Macron tái đắc cử sẽ giúp Ấn Độ thúc đẩy hợp tác trong mọi lĩnh vực.
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng N.Modi trong năm nay diễn ra vào thời điểm mà cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đã làm thay đổi cán cân địa chính trị ở châu Âu. Với một chương trình nghị sự dày đặc, các nhà phân tích nhận định, Thủ tướng N.Modi cần duy trì được trạng thái tốt đẹp giữa việc xây dựng quan hệ và duy trì lập trường trung lập của Ấn Độ về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 2-5, người đồng cấp N.Modi đã thể hiện rõ quan điểm của mình khi tuyên bố “Không quốc gia nào có thể chiến thắng trong cuộc xung đột Ukraine. Chúng tôi vì hòa bình, kêu gọi chấm dứt chiến tranh”. Sau cuộc hội đàm song phương, hai thủ tướng đã đồng chủ trì cuộc tham vấn liên chính phủ Ấn Độ - Đức lần thứ sáu. Cũng trong chuyến thăm, hai bên thảo luận về một sự kiện hợp tác thương mại nhằm giúp Ấn Độ thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư từ Đức.
Là một trong những đối tác quan trọng nhất của Ấn Độ ở châu Âu, Berlin đã chia sẻ mối quan hệ song phương sâu sắc với New Delhi. Sự liên kết giữa hai quốc gia đã đi qua một chặng đường dài, hai nước đã kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2021. Hiện Đức đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ. "Không có vấn đề lớn nào có thể được giải quyết nếu không có Ấn Độ", Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Tobias Lindner cho biết như vậy trước thềm chuyến thăm. Thủ tướng O.Scholz đã mời Ấn Độ làm khách mời tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 6 tới.
Sau Berlin, Thủ tướng N.Modi đã tới Copenhagen theo lời mời của Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen để tham gia Hội nghị Cấp cao Ấn Độ - Bắc Âu lần thứ hai với các nhà lãnh đạo Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan. Theo giới phân tích, chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ N.Modi tới Copenhagen là cơ hội để hình thành các yếu tố hợp tác mới trong lĩnh vực vận tải, công nghệ nông nghiệp... Mặc dù là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng N.Modi tới Đan Mạch, nhưng đây là lần tương tác cấp thượng đỉnh thứ ba của ông với Thủ tướng M.Frederiksen.
Điểm dừng chân cuối cùng của Thủ tướng N.Modi là ở Paris để hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Chuyến thăm này dự kiến sẽ thiết lập một chương trình nghị sự đầy tham vọng hơn cho quan hệ đối tác chiến lược khi ông E.Macron tái đắc cử và đang tìm cách đưa Pháp trở thành quốc gia tiên phong trong chính sách đối ngoại của châu Âu. Cuộc gặp giữa Thủ tướng N.Modi và Tổng thống E.Macron sẽ tạo nền móng cho giai đoạn tiếp theo của quan hệ Đối tác chiến lược Ấn Độ - Pháp.
Ấn Độ là đối tác chiến lược quan trọng của Liên minh châu Âu (EU). Trong lĩnh vực thương mại, Ấn Độ là đối tác lớn thứ ba của khối này (sau Trung Quốc, Mỹ), còn EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của quốc gia Nam Á (sau Mỹ). Các cam kết của Ấn Độ với các đối tác châu Âu vào thời điểm Lục địa già đang đối mặt với nhiều thách thức sẽ tăng cường hợp tác giữa hai bên, đồng thời đưa quan hệ Ấn Độ - EU lên tầm cao mới.
Gửi phản hồi
In bài viết