Những kết quả bước đầu
Chuyển đổi số cần thực hiện trên cả ba trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó trọng tâm là thực hiện xây dựng chính quyền số để tạo đà và định hướng, dẫn dắt, quản lý, hỗ trợ kinh tế số và xã hội số phát triển. Chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần thực hiện thắng lợi các khâu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung lãnh chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử và đạt được kết quả nổi bật. Đến nay, 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã sử dụng mạng Internet và hệ thống mạng nội bộ. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước được khai thác sử dụng đảm bảo hoạt động. Tỉnh đã hoàn thành nội dung xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung. Hiện nay, đang thực hiện kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương để kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu. Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh đã được đầu tư xây dựng và bắt đầu đi vào hoạt động với việc từng bước tạo lập, kết nối các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào kho cơ sở dữ liệu chung của tỉnh.
Trong năm 2021, các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai hầu hết các ứng dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành do các bộ, ngành Trung ương triển khai. Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành dùng chung cho tất cả các cơ quan nhà nước đảm bảo liên thông 4 cấp từ Trung ương tới cấp xã. Chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ đã được tích hợp vào Hệ thống quản lý văn bản điều hành tại các cơ quan, đơn vị phục vụ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 87 điểm cầu hội nghị truyền hình trực tuyến, trong đó cấp tỉnh có 21 điểm cầu, cấp huyện có 10 điểm cầu, cấp xã có 56 điểm cầu. Hiện toàn tỉnh đã tích hợp được 1.050 dịch vụ công mức độ 4 lên cổng dịch vụ công quốc gia. Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.
Hướng dẫn người dân tra cứu thông tin TTHC cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Về kinh tế số bước đầu hình thành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y tế, du lịch và dịch vụ với nhiều hình thức kinh doanh mới, dựa trên thương mại điện tử và logistics, góp phần nâng cao tính minh bạch, nâng cao chỉ số phát triển con người, thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.
Hạ tầng xã hội số có bước phát triển: 100% các xã đã có cáp quang đến trung tâm; tỷ lệ xã, phường thị trấn có mạng Internet băng rộng đạt 100%; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98,6%; người dân đã chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, từng bước hình thành văn hóa trên môi trường số.
Những vấn đề đặt ra
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh (ICT Index) ở mức thấp so với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; việc xây dựng nền tảng chính quyền điện tử chậm hoàn thiện. Một số ngành, lĩnh vực chưa chủ động tham gia chuyển đổi số; việc kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu giữa các cơ quan còn hạn chế, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan khối Đảng, đoàn thể của tỉnh; số lượng hồ sơ trực tuyến còn thấp; quản lý thông tin trên không gian mạng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Tài nguyên dữ liệu số chưa được khai thác hiệu quả, nhất là phân tích thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành; nhiều doanh nghiệp của tỉnh còn chưa chủ động tiếp cận ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại; quy mô kinh tế số còn nhỏ; thương mại điện tử ở mức thấp.
Nguyên nhân của những hạn chế trên đến từ nhận thức về chuyển đổi số của cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân và các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị chưa đầy đủ; nguồn lực dành cho đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và thực hiện chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; công tác quản lý nhà nước về chuyển đổi số chưa theo kịp thực tiễn; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ...
Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới gắn với phát triển đô thị thông minh và cải cách hành chính, đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo phục vụ, mang lại tiện ích, hiệu quả cao nhất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp và chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh và công bằng xã hội. Đồng thời, chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh phải đạt được mục tiêu tạo ra giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng xã hội số an toàn nhân văn dựa trên các đặc thù về thiên nhiên, văn hóa, con người của tỉnh. Từng bước hình thành văn hóa số, người dân có thói quen sử dụng dịch vụ số.
Để thực hiện được mục tiêu đó cần phải tiếp tục có hành lang pháp lý thuận lợi để triển khai thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là phát huy vai trò người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan Nhà nước đảm bảo các điều kiện cần thiết sẵn sàng thực hiện kết nối, triển khai các ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh, hướng tới hình thành hạ tầng số cho chính quyền số tỉnh Tuyên Quang. Bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp về phát triển chính phủ số, chính quyền số.
Gửi phản hồi
In bài viết