Sản xuất linh kiện điện tử phục vụ công nghiệp chế tạo tại Công ty TNHH điện tử 4P. Ảnh: TRANG LY
Những chỉ số ấn tượng
Bốn tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam tiếp tục có dấu hiệu phục hồi tích cực. Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10% so cùng kỳ năm 2020, lần đầu trở lại mức tăng trưởng hai con số kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, trong đó, đóng góp chủ yếu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tốc độ tăng trưởng đạt 12,7%. Số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng 17,5% so cùng kỳ, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2017; tổng vốn đăng ký tăng 41%; lao động đăng ký tăng 7,8%. "Những con số này cho thấy nhờ thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, niềm tin của cộng đồng DN vào đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Ðảng, của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 tăng lên. Ðây là những tín hiệu tích cực về triển vọng phát triển DN trong thời gian tới", đại diện Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.
Giải ngân vốn đầu tư công cũng được tăng tốc và đạt mức cao nhất kể từ năm 2017. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công bốn tháng đầu năm đạt 98,7 nghìn tỷ đồng, bằng 21,5% kế hoạch năm và tăng 16,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 bằng 16,6% và tăng 14,5%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10% trong khi cùng kỳ năm 2020 giảm 2,8%. Hoạt động xuất khẩu vẫn tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với kim ngạch xuất siêu 1,29 tỷ USD. Gam màu sáng chủ đạo của bức tranh kinh tế bốn tháng đầu năm được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT) nêu bật trong báo cáo: Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được bảo đảm, một số chỉ tiêu có xu hướng tích cực, CPI bình quân bốn tháng chỉ tăng 0,89% so cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Tiến độ thu ngân sách tích cực, đạt 40,5% dự toán, tăng 7,3% so cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm. Tín dụng toàn nền kinh tế có xu hướng phục hồi nhanh, tăng 3,61% so cuối năm 2020 và cao hơn nhiều so cùng kỳ. Nhiều tổ chức tín dụng nâng mức dự báo về tăng trưởng tín dụng, phản ánh kỳ vọng tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế.
Các tổ chức quốc tế tiếp tục ghi nhận những đánh giá tích cực đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên mức 6,7% vào năm 2021 và 7% vào năm 2022, lạm phát tương ứng là 3,8% và 4%. Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể sẽ đạt mức 6,5% năm 2021 nhờ nền tảng vững vàng cũng như những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ. Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước đã dần phục hồi, chính sách tài khóa đã chuyển sang vị thế trung lập hơn. Quá trình phục hồi tuy diễn ra mạnh mẽ nhưng vẫn chưa đồng đều...
Những đề xuất cho công tác điều hành
Trong bối cảnh Việt Nam đã xuất hiện những ca lây nhiễm cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Bộ KH và ÐT nhận định, việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch là một nhiệm vụ rất khó khăn. Ðể tiếp tục phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, Bộ đề xuất Chính phủ tập trung một số giải pháp điều hành từ nay đến cuối năm. Cụ thể, về định hướng điều hành kinh tế vĩ mô, cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng, hợp lý để duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Thực hiện tốt các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, giao Bộ KH và ÐT chủ trì để thể chế hóa một số mô hình, cách làm hay, sáng tạo của các địa phương về hỗ trợ DN, cải thiện môi trường kinh doanh được người dân và DN đánh giá cao. Ðối với nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, Bộ KH và ÐT đề xuất thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng bộ, cơ quan T.Ư, địa phương; đánh giá, tính toán khả năng giải ngân vốn nước ngoài năm 2021 phù hợp với thực tế, kịp thời kiến nghị hướng xử lý. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn nước ngoài, chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ giải ngân, hiệu quả thực hiện vốn nước ngoài, không để tình trạng trả lại vốn như các năm trước. Theo dõi sát diễn biến giá cả, cung cầu thị trường, nhất là nguyên vật liệu, đầu vào sản xuất như: thép, xi-măng, thức ăn chăn nuôi... đánh giá tác động đến nền kinh tế, đầu tư công; kịp thời ngăn chặn các hành vi đầu cơ, thổi giá nhằm kiểm soát lạm phát, hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường trong nước. Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế điều chỉnh giá bán điện phù hợp với nhu cầu sử dụng tại các thời điểm, tránh cắt giảm, lãng phí điện. Về thị trường lao động, Bộ KH và ÐT kiến nghị Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương nghiên cứu, thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ðẩy mạnh kết nối cung cầu thị trường lao động, các hoạt động hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động.
Gửi phản hồi
In bài viết