Chú trọng xây dựng Đảng
Lời dặn đầu tiên và bao trùm trong Di chúc là lời dặn về ĐẢNG và DÂN. Đây cũng chính là mối quan tâm sâu sắc nhất trong suốt cuộc đời của Người.
Nói về Đảng, Bác dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Người cũng dặn “thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.”, “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Thực hiện lời Bác dặn trong Di chúc, Đảng ta luôn quan tâm đoàn kết, thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng “là đạo đức, là văn minh”. Từ Đại hội XI, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, các Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương đều bàn và ban hành những nghị quyết, kết luận, quy định hết sức quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lần sau sâu sắc, toàn diện và cụ thể, rõ ràng hơn so với lần trước.
Bác Hồ với học sinh Trường Thiếu nhi vùng cao Tuyên Quang (tháng 3-1961).
Từ khóa XII, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI và khóa XII được gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 08 “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 47 “Về 19 điều đảng viên không được làm”.
Đến khóa XIII, Đảng ban hành Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm với nhiều điểm mới nổi bật. Đặc biệt, Đảng thành lập, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và đi vào hoạt động rất có hiệu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; mới đây là việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh; đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Nhấn mạnh nhân tố đạo đức khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền theo lời dặn của Bác, từ Đại hội XII, Đảng ta đã đưa công tác xây dựng Đảng về đạo đức ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đến Đại hội XIII, công tác xây dựng Đảng về đạo đức vẫn được khẳng định là một trong 5 nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điểm nhấn đặc biệt quan trọng là Đảng đã khẳng định phải tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là gốc, là nền tảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Trên tinh thần của Đại hội XIII, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã tập trung thảo luận và đề ra những biện pháp có tính đột phá để kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Những quyết tâm xây dựng chỉnh đốn Đảng, cùng với hoạt động hiệu quả của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo được niềm tin vững chắc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Chăm lo đời sống nhân dân
Di chúc Bác Hồ thể hiện một tư tưởng nổi bật là trọng dân, thân dân. Bác dặn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Thực hiện lời căn dặn này, Đảng ta luôn coi việc chăm lo đời sống nhân dân là mục tiêu quan trọng nhất. Sự chăm lo không chỉ về dân sinh mà còn dân trí, dân quyền.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chắt lọc tinh túy truyền thống lịch sử; bổ sung, phát triển quan niệm về Dân trong thực hiện Di chúc của Bác lên một tầm cao mới. Đảng coi “dân là gốc”, dân là chủ thể, dân là trung tâm; dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Thêm “dân giám sát, dân thụ hưởng” chính là thực hiện đúng chủ trương thân dân, tin dân, trọng dân, gần dân, sát dân, hiểu dân, yêu dân, kính dân, vì dân theo lời dặn trong di chúc Bác Hồ.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Kim Dung và các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc về học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (tháng 5-2022). Ảnh: Thanh phúc
Khắc ghi lời dạy của Bác trong di chúc, Đảng bộ và chính quyền tỉnh luôn chăm lo đời sống nhân dân cả vật chất và tinh thần. Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay Tuyên Quang đã phát triển toàn diện, bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì từ 7 - 8 %/năm. Sản xuất nông, lâm nghiệp đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, có giá trị kinh tế cao. Công nghiệp phát triển nhanh, quy mô không ngừng được mở rộng với nhiều dự án, cơ sở sản xuất lớn được đầu tư và đi vào sản xuất. Chất lượng công tác cải cách hành chính ngày càng được nâng lên. Tỉnh triển khai hiệu quả việc bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch; xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, tiêu biểu là lễ hội Thành Tuyên thu hút đông đảo du khách trong nước và khách quốc tế. Thực hành Then được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Với phương thức “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, đã có hàng nghìn km đường giao thông nông thôn được hoàn thành, nâng tỉ lệ cứng hóa đường thôn bản toàn tỉnh lên trên 70%. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 98%. 100% số xã và trên 95% thôn bản, tổ dân phố có nhà văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện chỉ còn 9%.
Tự hào được Bác Hồ chọn là Thủ đô Khu giải phóng, Tuyên Quang đã và đang nỗ lực thực hiện những lời Bác dặn trong di chúc, chú trọng xây dựng Đảng, chăm lo đời sống Nhân dân. Bởi làm theo lời Bác dặn trong di chúc chính là hiện thực mối quan tâm sâu sắc nhất trong suốt cuộc đời của Người, cũng là mục tiêu của Đảng và mong muốn của toàn dân ta. Đây cũng là bằng chứng mạnh mẽ khẳng định giá trị lịch sử, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của một văn kiện lịch sử - bảo vật thiêng liêng của đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết