Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề
cho người lao động, học sinh trên địa bàn tỉnh.
Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nên các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp. Trong đó, tỉnh đã thực hiện nghiêm các chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với hộ nghèo. Tỉnh đã rà soát, xác định nguyên nhân nghèo để từ đó triển khai các chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo sinh kế cho hộ nghèo với phương châm “hỗ trợ hộ nghèo chiếc cần câu thay vì con cá”. Từ nhiều nguồn lực như ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa, lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới và những chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách giảm nghèo đã được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Tỉnh đã chú trọng thúc đẩy kinh tế hộ gia đình, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nhiều nguồn vốn vay, chính sách ưu đãi; tăng cường các hoạt động tư vấn, giải quyết việc làm, thu hút đầu tư để tạo nhiều việc làm mới cho người dân, người nghèo…
Gia đình anh Tráng A Linh, ở thôn Chẩu Quân, xã Bình An (Lâm Bình) trước đây rất khó khăn, vừa thiếu vốn, thiếu kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi. Sau khi được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 50 triệu đồng gia đình anh đã đầu tư chuồng trại, mua con giống. Trong quá trình phát triển mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng, gia đình anh được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật do địa phương tổ chức nhờ đó mô hình phát triển hiệu quả, mang lại cho gia đình khoản thu nhập đạt từ 70 đến 80 triệu đồng/năm. Anh Linh bảo, từ sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi hộ nghèo phải nỗ lực vươn lên “dám nghĩ, dám làm” và lựa chọn hướng đi phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình. Nghèo nhưng không chịu đổi mới tư duy sẽ không thể vươn lên được…
Cùng với việc tạo điều kiện vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, tạo điều kiện tham gia các lớp đào tạo nghề. Anh Nông Văn Tiến, thôn Bản Cuôn, xã Yên Hoa (Na Hang) cho biết, sau khi được tham gia lớp sửa chữa máy nông nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức anh đã tự tin đầu tư mở cửa hàng sửa chữa máy nông nghiệp, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Anh Tiến bảo, mấu chốt trong thoát nghèo là phải có nghề nghiệp ổn định, nghề nghiệp giống như chiếc cần câu khi ta câu cá.
Phát triển nghề nuôi trâu nhốt chuồng giúp nhiều hộ dân thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) vươn lên thoát nghèo.
Từ những giải pháp đa dạng và cách làm phù hợp, công tác giảm nghèo tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao mức sống của người dân. Đồng chí Đào Quang Tuấn, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Sơn Dương cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2022, toàn huyện giảm được hơn 1.800 hộ nghèo, đạt trên 104% so với kế hoạch, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 18,2%. Có được kết quả trên là nhờ những giải pháp đồng bộ đã được triển khai. Huyện đã tăng cường thu hút đầu tư, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương đồng thời nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân…
Hiện nay, toàn tỉnh đang nỗ lực thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, cố gắng hoàn thành mục tiêu giảm bình quân trên 3%/năm, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân từ 4% trở lên...
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ. Trong đó tiếp tục ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo; tăng cường tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động; chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo; nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tạo điều kiện cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời huy động các nguồn lực để thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu hỗ trợ xóa nhà ở tạm, dột nát cho 3.820 hộ nghèo; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, đào tạo nghề cho lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo… Từ đó góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Gửi phản hồi
In bài viết