Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HNĐN tỉnh; Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.
Năm 2022, thực hiện chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ tài chính, ngân sách Nhà nước; thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, điều hành kinh tế vĩ mô; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh. Kết quả thu ngân sách Nhà nước vượt mức dự toán được giao; chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm đảm bảo nguồn lực hỗ trợ phục hồi kinh tế; kiểm soát chặt bội chi, nợ công trong phạm vi cho phép. Giá cả, thị trường được điều hành linh hoạt góp phần kiểm soát lạm phát...
Năm 2023 ngành Tài chính đặt ra mục tiêu, đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả nguốn lực tài chính. Qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động khu vực sự nghiệp công lập...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, năm 2022 ngành Tài chính đã chủ động, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách tài khóa, tổ chức triển khai quyết liệt để hoàn thành tốt các nhiệm vụ tài chính, ngân sách Nhà nước đã đề ra. Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2023 được nhận định sẽ tiếp tục là năm có nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động của ngành Tài chính. Do đó, ngành Tài chính phải đoàn kết, chủ động nắm chắc tình hình, từ đó phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả; kết hợp hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Đồng thời đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong ngành Tài chính nhằm kiểm soát nguồn thu hiệu quả; nhất quán mục tiêu ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng.
Trên cơ sở đó, tiếp tục hoàn hiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách; điều hành chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách Nhà nước đảm bảo an toàn tài chính quốc gia...
Gửi phản hồi
In bài viết