Công ty cổ phần Đường bộ 232 luôn phát huy quyền làm chủ của đội ngũ cán bộ và người lao động; thực hiện tốt các quy định về lao động, quy chế sử dụng lao động, bảo hộ lao động, an toàn lao động, thi đua, khen thưởng... Ông Nguyễn Ngọc Phẩm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Đường bộ 232 chia sẻ, thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp, công ty luôn tạo điều kiện cho người lao động phát huy quyền làm chủ, tôn trọng và lắng nghe các đề xuất của cán bộ, đảng viên và người lao động; thực hiện đầy đủ quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN; chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, tạo môi trường làm việc tốt nhất... Qua đó, đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, sáng tạo của người lao động. Những năm qua, lợi nhuận của công ty liên tục tăng trưởng, doanh thu đạt bình quân trên 100 tỷ đồng/năm, bảo đảm việc làm thường xuyên, ổn định cho hơn 100 lao động với thu nhập bình quân đạt gần 6 triệu đồng/người/tháng.
Lãnh đạo Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh thường xuyên kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn lao động tại Công ty TNHH MSA YB.
Hàng năm, Công ty TNHH MTV Seshin VN2, Khu Công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) đều phối hợp cùng công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị người lao động để thông báo kết quả sản xuất của doanh nghiệp đến toàn thể người lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp còn thông báo các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động và những phúc lợi mới nếu có. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng thiện chí giải đáp kiến nghị của người lao động trên tinh thần lắng nghe, dân chủ và thấu hiểu. Nhờ đó, nhiều năm nay, quan hệ lao động nơi đây được đánh giá là ổn định và hài hòa.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thanh, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ tạo điều kiện cho Công đoàn hoạt động hiệu quả mà còn lắng nghe ý kiến của người lao động. Đặc biệt, tại hội nghị người lao động, công nhân lao động được nêu kiến nghị về các chế độ, môi trường làm việc, bữa ăn ca... và được lãnh đạo doanh nghiệp ghi nhận, giải đáp kịp thời, mang lại sự hài lòng cho người lao động. Từ năm 2015 đến nay, công ty đã tổ chức hơn 30 cuộc đối thoại trực tiếp giữa Tổng Giám đốc và Chủ tịch Công đoàn với người lao động, trực tiếp giải quyết nhiều kiến nghị, nổi bật như: Nâng mức ăn ca từ 15.000 lên 18.000 đồng/người/bữa; tăng tiền xăng xe từ 8.000 lên 18.000 đồng/ngày; tăng tiền trợ cấp hiếu đối với tứ thân phụ mẫu từ 200.000 lên 500.000 đồng... Thông qua thực hiện tốt quy chế, người sử dụng lao động hiểu hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.
Chị Dương Thị Chuyên, công nhân Công ty TNHH MTV Seshin VN2 cho biết, chị đã có 12 năm gắn bó với công ty, năm nào chị cũng được tham gia hội nghị người lao động do công ty tổ chức. Khi tham gia hội nghị, chị biết được kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp, các đơn hàng trong năm để yên tâm làm việc. Đặc biệt, cũng từ những ý kiến thực tế của người lao động, nhiều phúc lợi liên quan đến người lao động được cải thiện như tăng tiền bữa ăn ca, chế độ nâng lương, chế độ nghỉ dưỡng, khen thưởng... Góp phần nâng cao cuộc sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, để thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp, Liên đoàn chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh việc tuyên truyền các quy định của pháp luật như: Nghị định 145 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động; Hướng dẫn số 41 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về Công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Đồng thời chỉ đạo các cấp công đoàn cơ sở tích cực tham gia thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp, phát huy quyền làm chủ của người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định; hướng dẫn công đoàn cơ sở chú trọng việc tham gia với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp; nội dung quy chế phải thể hiện đầy đủ quyền của người lao động: Được biết, được bàn, được quyết định và được kiểm tra, giám sát.
Tuy nhiên, vẫn còn những doanh nghiệp chỉ tập trung vào sản xuất; chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp; chưa quan tâm đến quy trình tổ chức hội nghị người lao động. Ngoài ra, không chú trọng tổ chức đối thoại tại nơi làm việc hoặc tổ chức còn mang tính hình thức. Một số doanh nghiệp còn giao cho công đoàn cơ sở thực hiện, trong khi vai trò chủ động thuộc về doanh nghiệp.
Hiện toàn tỉnh có 125 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, trong đó 89 doanh nghiệp đã xây dựng quy chế dân chủ cơ sở, 88% doanh nghiệp đã tổ chức đối thoại, hội nghị người lao động.
Để góp phần đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp, thời gian tới, các cấp công đoàn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế; chú trọng hướng dẫn các cơ sở chưa thực hiện tốt và nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả đến các doanh nghiệp; các ngành chức năng cần tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc, nhất là chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động...
Gửi phản hồi
In bài viết