Điều tra viên phường Minh Phương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, rà soát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực tế trên địa bàn. (Ảnh: KỲ DUYÊN)
Sáng 1/7, tổ chức ra quân thực hiện giai đoạn 2 cuộc Tổng điều tra dân số năm 2021.
Quy mô lực lượng tham gia tổng điều tra khoảng 30 nghìn người. Trong đó, khoảng 25 nghìn điều tra viên thống kê có trình độ nghiệp vụ, kỹ năng điều tra và có thể sử dụng thành thạo các thiết bị di động thông minh để thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tại địa bàn.
Đợt tổng điều tra được tiến hành trên phạm vi cả nước đến ngày 30/7 nhằm thu thập thông tin của hơn năm triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và hơn 45 nghìn cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Nội dung thông tin cần thu thập bao gồm: Kết quả sản xuất kinh doanh phân tổ chi tiết theo các đơn vị hành chính và theo phân ngành kinh tế; số lượng, quy mô và lao động của các đơn vị điều tra; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin;...
Ông Nguyễn Trung Tiến, Ủy viên Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Tổng điều tra kinh tế giai đoạn 2 được thực hiện trên phạm vi lớn với nhiều thách thức trong việc thu thập thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời; đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin và bảo đảm hệ thống thông tin, đường truyền dữ liệu thông suốt từ địa phương đến Trung ương.
Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc thu thập thông tin giai đoạn 2 gặp nhiều thách thức, khó khăn. Thực tế này đòi hỏi Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương và các Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh, thành phố cần chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm tiến độ tổng điều tra, chất lượng thông tin, đồng thời phải phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả.
Lường trước khả năng có nhiều biến động về danh sách các đơn vị điều tra do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên trước khi bước vào giai đoạn 2, công tác rà soát, cập nhật danh sách các đơn vị điều tra đã được chú trọng thực hiện. Đây chính là thông tin cơ sở ban đầu của Tổng điều tra, giúp thực hiện quản lý công tác thu thập thông tin tại địa bàn, tránh điều tra trùng lặp hoặc bỏ sót.
Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê, tổng điều tra kinh tế giai đoạn 2 có nhiều điểm mới.
Đó là, đối tượng của Tổng điều tra kinh tế năm 2021 bao gồm cả các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể không có địa điểm kinh doanh cố định (tổng điều tra năm 2017 các cơ sở này chỉ được lập bảng kê mà không được điều tra thu thập thông tin). Do đó, khối lượng các đơn vị điều tra tăng hơn do cả yếu tố thay đổi phương pháp và do tình hình phát triển sản xuất kinh doanh.
Thu thập thông tin của các cơ sở theo hướng tiếp cận ngành sản phẩm thay vì ngành kinh tế, giúp việc xác định ngành kinh tế và mã ngành kinh tế tương ứng bảo đảm chính xác hơn.
Hơn nữa, do ứng dụng công nghệ thông tin nên điều tra viên có thể thực hiện việc xác định ngành sản phẩm dựa trên phần mềm tra cứu tự động từ thông tin mô tả sản phẩm. Điều này giúp cho việc ghi mã được nhanh hơn và kịp thời phục vụ việc khai thác các thông tin chuyên sâu về từng chuyên ngành.
Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong các công đoạn của Tổng điều tra từ công việc rà soát, cập nhật bảng kê đến việc thu thập thông tin tại địa bàn và công tác kiểm tra, giám sát điều tra... giúp nâng cao chất lượng thông tin, rút ngắn thời gian điều tra và xử lý số liệu.
Trung bình mỗi điều tra viên sẽ thực hiện thu thập thông tin của 205 cơ sở. Phương pháp thu thập thông tin Tổng điều tra giai đoạn 2 là điều tra trực tiếp.
Điều tra viên thống kê đến gặp và phỏng vấn trực tiếp các đơn vị điều tra về các nội dung trong phiếu hỏi điện tử được cài đặt trên thiết bị điện tử di động thông minh của điều tra viên thống kê (CAPI).
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 nhằm thu thập thông tin cơ bản từ các doanh nghiệp, hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng về tình hình sản xuất kinh doanh, kinh tế số, thương mại điện tử và sản phẩm đặc thù của các ngành và địa phương.
Đây là một trong những tổng điều tra được triển khai năm năm một lần, có quy mô lớn và độ phức tạp nhất của ngành thống kê.
Kết quả Tổng điều tra phục vụ đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, là căn cứ để xây dựng Chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cuộc Tổng điều tra được thực hiện trong hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngày 1/3 đến ngày 30/5/2021, thực hiện thu thập thông tin từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội.
Giai đoạn 2 từ ngày 1/7 đến ngày 31/7/2021 thực hiện thu thập thông tin toàn bộ cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Gửi phản hồi
In bài viết