Ðóng gói sản phẩm trên dây chuyền tại Nhà máy sản xuất phân bón DAP Lào Cai. Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG
Giá phân bón “leo thang”
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón thị trường trong nước và thế giới liên tục tăng cao. Tại thị trường trong nước, giá phân bón sản xuất trong nước tăng từ khoảng 8% đến 55% tùy loại. Cụ thể, phân urê tăng 55% từ 7.100 đồng/kg lên 11.000 đồng/kg; phân DAP tăng 37% từ 8.600 đồng/kg lên 11.800 đồng/kg; phân supe lân tăng hơn 8% từ 2.640 đồng/kg lên 2.870 đồng/kg; phân NPK tăng 15% đến 20%. Ðối với phân bón nhập khẩu, tỷ lệ tăng cao hơn so với phân bón sản xuất trong nước, tăng từ khoảng 43% đến 77% tùy loại. Cụ thể, phân SA tăng 79%; phân DAP tăng gần 43% từ 10.500 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg; phân kali clorua tăng 44%, trong đó kali bột từ 6.100 đồng/kg lên 8.800 đồng/kg, kali mảnh từ 6.800 đồng/kg lên 9.800 đồng/kg...
Lý giải về giá phân bón thời gian qua liên tục tăng cao, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá phân bón phụ thuộc nhiều vào giá nguyên liệu đầu vào như khí NH3, than, lưu huỳnh, axit H2SO4, quặng apatit, chi phí vận chuyển... Trong sáu tháng qua, các nguyên liệu này đồng loạt tăng từ 105% đến 133%. Ðơn cử, giá lưu huỳnh tăng 133%, từ 95 USD/tấn lên 221 USD/tấn; giá axit H2SO4 tăng 132%; giá NH3 tăng 105%, từ 326 USD/tấn lên 676 USD/tấn. Giá quặng apatit trong nước cũng tăng gần 8%, từ 1.019 đồng/kg lên 1.097 đồng/kg. Thêm vào đó, giá dầu tăng và công-ten-nơ rỗng do thiếu hàng đã kéo theo giá cước vận tải tăng từ ba đến năm lần.
Việc tăng giá nguyên liệu ảnh hưởng lớn đến giá phân bón trong nước. Một số doanh nghiệp sản xuất phân đạm urê từ khí cho biết, giá khí chiếm khoảng 60% giá thành sản xuất. Theo số liệu thống kê, giá khí đầu vào quý I/2021 của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) tăng 24% so với quý I/2020. Các loại phân bón khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Giá nguyên liệu đầu vào tăng là nguyên nhân chính khiến giá phân bón trong nước thời gian qua tăng cao. Chi phí phân bón chiếm tỷ trọng lớn, hiện chiếm gần một phần hai giá vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Giá phân bón tăng cao, trong khi đầu ra và giá bán nhiều mặt hàng nông sản thiếu ổn định đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất cũng như đời sống của người dân.
Kiến nghị Chính phủ xem xét tạm dừng xuất khẩu
Trước tình hình giá phân bón tăng và diễn biến phức tạp, ngày 13/3/2021, Cục BVTV đã phối hợp Hiệp hội Phân bón Việt Nam tổ chức trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp sản xuất phân bón chủ lực trong nước để thực hiện các giải pháp duy trì nguồn cung, góp phần bình ổn giá phân bón thị trường trong nước. Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã cắt giảm lượng xuất khẩu để ưu tiên nguồn cung cho thị trường trong nước và không thực hiện tăng giá theo mức tăng giá thị trường, chỉ tăng giá để bù lại một phần do chi phí nguyên liệu tăng. Tuy nhiên, theo ghi nhận việc cắt giảm xuất khẩu của các doanh nghiệp chưa nhiều. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón các loại bốn tháng đầu năm đạt hơn 473 nghìn tấn, trị giá hơn 150 triệu USD, tăng gần 56% về lượng, tăng gần 72% kim ngạch so với cùng kỳ 2020. Tháng 5 lượng phân bón xuất khẩu của cả nước đạt 104.233 tấn, trị giá 35,7 triệu USD, giảm 25% cả về khối lượng và kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, nhưng so với tháng 5/2020 thì tăng 28,7% về lượng và tăng 46,5% về kim ngạch. Các loại phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia với khối lượng đạt hơn 214 nghìn tấn, xuất khẩu sang Lào đạt hơn 24 nghìn tấn, sang Malaysia (Ma-lai-xi-a) đạt hơn 41 nghìn tấn, xuất sang Philippines (Phi-líp-pin) đạt hơn 20 nghìn tấn, sang Mozambique (Mô-dăm-bích), đạt gần 16 nghìn tấn.
Mặc dù giá nguyên liệu cùng với phí vận chuyển tăng cao nhưng giá các loại phân bón sản xuất trong nước hiện tăng ở mức thấp hơn so với mức tăng nguyên liệu và giá phân bón nhập khẩu cùng loại. Ðơn cử, khi so sánh giá sản xuất phân bón trong nước với giá phân bón nhập khẩu thì mức tăng giá MAP và DAP do trong nước sản xuất thấp hơn rất nhiều so với nhập khẩu. Hiện giá DAP và MAP trong nước được bán với giá 9,5 đến 10,5 triệu đồng/tấn, trong khi đó, giá nhập khẩu là khoảng 14 đến 15 triệu đồng/tấn. Về phân bón urê, theo báo cáo của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí và Công ty Phân bón dầu khí Cà Mau, giá phân urê do các Nhà máy Phú Mỹ và Cà Mau sản xuất cũng thấp hơn giá phân urê nhập khẩu khoảng 500 đồng/kg.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho biết, trước thực trạng giá phân bón liên tục tăng cao, để bình ổn giá phân bón tại thị trường trong nước, cần xem xét tạm dừng xuất khẩu phân bón. Doanh nghiệp sản xuất phải ưu tiên phục vụ cho thị trường trong nước. Cơ quan chức năng cần yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất phân bón minh bạch về sản lượng sản xuất, lượng tồn kho và số lượng hàng bán ra thời gian gần đây. Ðồng thời yêu cầu, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất tăng tối đa công suất sản xuất để bảo đảm nguồn cung trong nước, nhất là các nhà máy sản xuất urê, DAP. Các nhà máy này cần chủ động đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng và chủng loại phân bón, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước, tránh tình trạng thiếu hàng, đẩy giá. Bên cạnh đó, để “hạ nhiệt” giá phân bón có thể áp dụng một số biện pháp như giảm thuế nhập khẩu, tính toán cụ thể và minh bạch thuế phòng vệ thương mại... Người sử dụng cần tránh tích trữ, tạo sốt giá ảo, loại bỏ được tình trạng găm hàng đẩy giá.
Theo Cục trưởng BVTV Hoàng Trung, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu toàn cầu bị đứt gãy cho nên thời gian tới, giá phân bón có thể tăng hoặc vẫn duy trì mức cao như hiện nay. Giá phân bón tăng cao làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp, do vậy người dân cần sử dụng phân bón tiết kiệm, hợp lý, cân đối, bảo đảm hiệu quả và tránh lãng phí. Mặt khác, cần tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để thay thế một phần phân vô cơ. Hiện nay, nhiều địa phương đã và đang khuyến khích sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, nhất là phân bón hữu cơ khai thác từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước để vừa cải tạo đất vừa nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, từ đó giảm lượng phân bón vô cơ.
Gửi phản hồi
In bài viết