Thượng Giáp nỗ lực giảm nghèo

- Là xã nằm xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh, Thượng Giáp (Na Hang) đang quyết tâm phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 4%, đưa thu nhập bình quân đầu người của xã đến năm 2025 đạt 28 triệu đồng/ người/ năm.

Tuy là địa phương xa xôi và khó khăn nhất tỉnh, nhưng chính quyền và nhân dân xã Thượng Giáp luôn nỗ lực vươn mình mạnh mẽ. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Tú tự hào bảo rằng, những năm về trước phần lớn người dân ở Thượng Giáp đều là hộ nghèo, tập quán canh tác còn nhiều lạc hậu. Nhưng nay xã đã có 50 mô hình nông dân làm kinh tế giỏi với các mô hình chăn nuôi gia súc, nuôi cá chép ruộng và trồng rừng… Xã hiện đứng đầu toàn huyện về độ che phủ rừng đạt tỷ lệ 100% với trên 1.200 ha, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn khoảng 35%.

Anh Dương Văn Quý, thôn Bản Muồng chia sẻ, gia đình anh trước đây thuộc diện hộ nghèo. Sau khi được Hội Cựu chiến binh xã đứng ra thế chấp cho vay số tiền 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện từ năm 2018, anh đầu tư chuồng trại nuôi lợn đen sinh sản. Kinh tế khấm khá dần, anh trả được nợ và phát triển thêm trồng cây ăn quả để thoát nghèo.

Phát triển kinh tế rừng đang là hướng thoát nghèo mới ở xã Thượng Giáp, Na Hang.

Cũng trong việc giúp dân nỗ lực giảm nghèo, chính quyền xã Thượng Giáp đã mạnh dạn đưa mô hình nuôi cá chép ruộng, 1 vụ cá 1 vụ lúa vào sản xuất. Anh Nguyễn Văn Thủy, thôn Nà Thài hiện có mô hình nuôi 4.000 m2 cá chép ruộng. Anh cho biết, năm 2018 sau khi được chính quyền xã khuyến khích thực hiện mô hình nuôi cá chép ruộng, anh cũng nhiều băn khoăn. Nhưng sau 1 năm mang lại hiệu quả, anh và nhiều gia đình trong xã đã cùng nhau cải tạo thêm đường dẫn nước vào các ruộng lúa để nuôi cá.

Để giúp dân thoát nghèo, những năm qua, UBND xã Thượng Giáp luôn quan tâm và triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi với hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, tập trung cho hộ nghèo vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, chăn nuôi, đi xuất khẩu lao động thông qua các tổ chức đoàn thể được ủy thác. Tính đến thời điểm này, toàn xã có 1.000 hộ dân được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng dư nợ đạt gần 30 tỷ đồng. Xã đã triển khai vốn vay hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với 1 số cây trồng, vật nuôi theo Nghị quyết 12/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của HĐND tỉnh. Toàn xã hiện có trên 1.200 ha rừng với 400 hộ dân có rừng sản xuất, 100 ha đất lúa và nuôi cá chép ruộng để làm sản phẩm OCOP của xã. Xã có trên 1.000 con trâu bò nuôi vỗ béo mang lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng cho các hộ dân. Anh Triệu Văn Sìn, thôn Nà Thài chia sẻ, sau khi được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn về phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng nuôi nhốt vỗ béo, anh mạnh dạn vay vốn để xây dựng mô hình. Đến nay anh có trên 20 con trâu, bò, thu nhập mỗi năm của gia đình lãi khoảng 150 triệu đồng. Gia đình anh từ hộ cận nghèo trở thành hộ khá trong thôn.

Ngoài việc giúp nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, xã còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho người lao động nghèo tham gia lao động tại các khu công nghiệp, chế xuất trong nước, có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, tổng số lao động toàn xã đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước lên 200 người, nhiều hộ dân có con em đi lao động đã có vốn để phát triển sản xuất và thoát được nghèo.

Thượng Giáp hiện nay có 2 con đường thủy và đường bộ nối từ xã đến trung tâm huyện Na Hang khá thuận lợi. Điện lưới quốc gia, mạng Internet đã vươn về tới xã. Đây là những điều kiện tốt để Thượng Giáp có một sức bật mới. Theo kế hoạch giảm nghèo, trong năm nay, xã sẽ tạo điều kiện để các hộ vay các nguồn vốn ưu đãi, đồng thời giám sát chặt chẽ các hộ sử dụng vốn đúng mục đích. Như vậy công tác giảm nghèo mới đi đúng hướng, giúp chuyển biến một vùng quê nghèo nơi miền sơn cước.          
 

Bài, ảnh: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục