Lãnh đạo xã Thượng Nông (Na Hang) thăm diện tích chè của người dân thôn Pác Củng.
Những ngày cuối năm, nông dân trên địa bàn xã Thượng Nông đang hối hả ra đồng làm đất trồng rau màu vụ đông, cung cấp nông sản cho các công ty đến thu mua. Chủ tịch UBND xã Thượng Nông Nguyễn Văn Cướng hồ hởi cho biết: Những năm gần đây, từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, nhất là sự quyết tâm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, cùng với việc quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân trên địa bàn xã đã có nhiều đổi thay. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, nhiều cách làm khác nhau địa phương đã tìm được hướng đi mới cho bà con thông qua chuyển đổi một số cây trồng năng suất thấp sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao, như: cây chè, cây sắn, cây đỗ tương...
Nhận thấy ở Thượng Nông có nhiều đặc sản như: gạo nếp Khẩu Láng, chè Pắc Củng, men lá nấu rượu… anh Hoàng Văn Núi, thôn Đống Đa 2, xã Thượng Nông quyết định thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Thượng Nông do anh làm Giám đốc. Anh Núi chia sẻ, thấy sản phẩm men lá có nguyên liệu hoàn toàn vào tự nhiên. Nguyên liệu cũng sẵn có tại địa phương nên anh đã quyết định thành lập Hợp tác xã với mong muốn tạo việc làm cho lao động của địa phương. Đến nay, Hợp tác xã của anh đang tạo việc làm cho 4 lao động với mức lương từ 3 đến 5 triệu đồng.
Trước đây, nhắc đến Pác Củng là nhắc đến thôn có tỷ lệ hộ nghèo nhiều của xã, nhưng hiện nay, đây là thôn có nhiều kinh nghiệm thoát nghèo nhất của xã. Anh Bàn Văn Tranh, Bí thư Chi bộ thôn Pác Củng cho biết, để người dân trong thôn cùng nhau thoát nghèo, các tổ chức đoàn thể của xã đã tích cực tuyên truyền, giới thiệu những gương điển hình thoát nghèo nhờ nuôi trâu, bò nhốt cho người dân học tập và làm theo.
Bên cạnh đó, xã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật về phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của thôn đã giảm đáng kể, toàn thôn hiện có 45 hộ với gần 300 nhân khẩu, trong năm 2023 thôn giảm 5 hộ nghèo.
Ông Bàn Văn Vành, người dân trong thôn chia sẻ, từ khi có đường giao thông đi lại thuận tiện, được tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ, gia đình ông mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng rừng. Hiện nay, gia đình ông phát triển chăn nuôi với 9 con trâu, 30 con dê, trên 20 con lợn, 2 ha chè Shan tuyết.
Nhờ đó, kinh tế gia đình ổn định, có của ăn, của để và làm được ngôi nhà khang trang. Mỗi năm thu nhập từ phát triển sản xuất, chăn nuôi gia đình ông cũng thu về gần trên 200 triệu đồng.
Với cách làm thiết thực, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế đã góp phần giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn xã.
Gửi phản hồi
In bài viết