Tiêm chủng để bảo vệ cộng đồng

- Tiêm chủng là biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm mang lại hiệu quả cao, an toàn và giúp tiết kiệm nhiều khoản chi phí điều trị bệnh. Tuần lễ Tiêm chủng thế giới được tổ chức vào tuần cuối cùng của tháng 4 hàng năm nhằm khuyến khích người dân chủ động tiêm vắc-xin để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Trẻ tiêm chủng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Trong suốt những năm qua, nhờ triển khai thực hiện tốt các chương trình tiêm chủng mà hàng năm số trẻ mắc các bệnh lây truyền như bạch hầu, ho gà, uốn ván, lao, bại liệt, sởi, viêm gan B… tại Việt Nam liên tục giảm. Có những bệnh đã được thanh toán hoàn toàn và đang trong giai đoạn thanh toán hoàn toàn.

Theo bác sỹ Ngọc Thành Tùng, Phòng Tư vấn vắc-xin, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, bản chất của việc tiêm chủng là sử dụng vắc-xin nhằm kích thích cơ thể sản sinh ra miễn dịch để chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Các loại vắc-xin được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoàn toàn miễn phí, an toàn và mang lại hiệu quả phòng bệnh cao. Khi phụ huynh đưa trẻ đến điểm tiêm chủng, các bác sỹ sẽ hỏi độ tuổi, tình hình tiêm vắc-xin, tư vấn và tổ chức khám sàng lọc cho trẻ. Đối với người trưởng thành, ngoài tiêm vắc-xin dịch vụ theo yêu cầu, các bác sỹ cũng tư vấn nên tiêm vắc-xin bổ sung  phòng các bệnh liên quan đến đường hô hấp, cúm, phế cầu, viêm gan B.

Việc tiêm chủng đúng, đủ và an toàn góp phần bảo vệ trẻ trước các dịch bệnh, tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Chị Nguyễn Thùy Linh, tổ 8, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chia sẻ, một thời gian trên mạng xã hội truyền nhau về trào lưu “anti vắc-xin” tức là chống lại vắc-xin, một trào lưu ảo trên mạng nhưng ảnh hưởng đến cuộc sống thật, đặc biệt là sức khỏe, tính mạng của trẻ em. Mỗi bậc phụ huynh cần tỉnh táo trước các thông tin trên mạng xã hội và cần hiểu rõ vắc-xin không chỉ giúp trẻ phòng bệnh mà còn tránh được những biến chứng nguy hiểm, nguy cơ dị tật và tử vong do các loại virus gây ra.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 138 điểm tiêm chủng mở rộng trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. Có 15 điểm tiêm chủng dịch vụ và 11 cơ sở y tế có phòng sinh tổ chức tiêm vắc-xin phòng Viêm gan B và phòng lao cho trẻ sơ sinh. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của vắc-xin và lợi ích của tiêm chủng được ngành y tế của tỉnh đẩy mạnh góp phần bảo vệ sức khỏe của trẻ và cả cộng đồng. Năm 2023, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm vắc-xin là 70,7% trong đó: tiêm phòng Viêm gan B trong vòng 24h sau sinh đạt 87,8%, tiêm vắc-xin Sởi - Rubella cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 93,0%, tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1 - 3 tuổi mũi 2 đạt 95,1%... Số phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván là 8.129 bà mẹ, đạt 91.6%.  

Bác sỹ Đoàn Lương Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, hiện nay việc cung ứng vắc-xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng về cơ bản đầy đủ. Vắc-xin bại liệt tiêm và vắc-xin 5 trong 1 tiếp tục được bổ sung trong tuần tới. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền về tiêm chủng, Trung tâm cũng thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát các điểm tiêm chủng dịch vụ. Qua công tác kiểm tra, giám sát, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn tỉnh về cơ bản đều đáp ứng yêu cầu, góp phần vào mục tiêu chung trong việc nâng cao hiệu quả và tỷ lệ bao phủ vắc-xin trên địa bàn tỉnh.      

Các y, bác sỹ cũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần theo dõi và cho trẻ tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, thực hiện tiêm nhắc lại đúng thời gian quy định để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh. Cùng với các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, người dân cũng nên tiêm bổ sung các loại vắc-xin dịch vụ để phòng chống các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa, thủy đậu, viêm não mô cầu BC, phòng chống tiêu chảy do Rotavirus, tiêm phòng ngừa ung thư do virus HPV gây ra cho trẻ trên 9 tuổi…                    

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục