Công nghệ không gian có vai trò quan trọng trong việc cải thiện cuộc sống hằng ngày của nhân loại, có thể kể đến như: Công nghệ vệ tinh viễn thông hỗ trợ việc kết nối và hỗ trợ các giao dịch thương mại; công nghệ định vị từ vệ tinh (GNSS), mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế và quân sự cũng như lợi ích khác (cứu hộ cứu nạn, cảnh báo thiên tai...).
Công nghệ quan sát Trái đất (EO) từ không gian và các ứng dụng của nó đã trở thành công cụ không thể thiếu để ứng phó với thảm họa, bảo tồn môi trường, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý thời tiết, cung cấp dịch vụ y tế từ xa và quản lý các hoạt động nông nghiệp.
Vai trò quan trọng của công nghệ vũ trụ trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 được ghi nhận trong “Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030” của Liên hợp quốc, thông qua công nghệ quan sát Trái đất và các dịch vụ định vị từ vệ tinh.
Tuy nhiên, việc sử dụng các công nghệ dựa trên vệ tinh để hỗ trợ việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững không chỉ giới hạn ở công nghệ EO và GNSS mà còn bao gồm nhiều lĩnh vực khác như con người bay vào vũ trụ, nghiên cứu môi trường vi trọng lực và công nghệ liên lạc vệ tinh. Những tiến bộ vượt bậc trong việc khám phá vũ trụ đã nảy sinh những khả năng vô hạn chưa từng có trong việc loài người làm chủ việc khai thác không gian để phát triển kinh tế-xã hội.
Tại Việt Nam, “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”, được Chính phủ ban hành từ năm 2006, được coi như tôn chỉ cho quá trình phát triển công nghệ vũ trụ ở nước ta. Đến năm 2020, đã có năm vệ tinh của Việt Nam được phóng lên và hoạt động trong không gian, trong đó có hai vệ tinh viễn thông, một vệ tinh Cubesat và hai vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất.
Ngày 4/2/2021, “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030” cũng được phê duyệt, mở đường cho sự phát triển về khoa học và công nghệ vũ trụ trong giai đoạn mới. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là: Ứng dụng rộng rãi thành tựu của khoa học và công nghệ vũ trụ; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực có liên quan đến quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, giám sát và hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cung cấp đa dạng dịch vụ cho người dân; nâng cao tiềm lực khoa học-công nghệ của đất nước, góp phần bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế-xã hội và bảo đảm các lợi ích quốc gia khác.
Chiến lược cũng đề xuất một số mục tiêu cụ thể quan trọng như: Làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp các cảm biến quang học, ra-đa cho vệ tinh quan sát Trái đất; lắp ráp, tích hợp, kiểm tra ở trong nước vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao; làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị đầu cuối, trạm mặt đất điều khiển và thu nhận dữ liệu vệ tinh, các bộ phát đáp cho vệ tinh viễn thông; bảo đảm dung lượng truyền dẫn qua vệ tinh một cách hiệu quả, nhất là đáp ứng nhu cầu cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh quốc gia; chủ động, kịp thời giám sát, hỗ trợ ra quyết định ứng phó với các hoạt động, biến đổi của thiên nhiên, các biến động xã hội trên diện rộng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Thông qua các chương trình vũ trụ, Việt Nam có thể nâng cao tính cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tạo ra thị trường mới và khởi nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.
Trong chiến lược mới được phê duyệt, Chính phủ đã giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhiệm vụ xây dựng và triển khai đề án “Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao, bằng công nghệ cảm biến quang học, ra-đa, kết hợp với thiết bị bay không người lái”.
Để xây dựng đề án, thời gian qua, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã cùng chuyên gia nước ngoài thực hiện khảo sát, nghiên cứu các vấn đề liên quan, đặc biệt đánh giá tính cấp thiết và nhu cầu của Việt Nam về quan sát Trái đất sử dụng vệ tinh và máy bay không người lái; nghiên cứu đánh giá nguồn lực quốc gia về xây dựng và phát triển năng lực quan sát Trái đất.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, xu hướng chùm vệ tinh đang diễn ra trên toàn cầu, việc phát triển vệ tinh và tận dụng dữ liệu vệ tinh theo chùm nên được thúc đẩy tại Việt Nam. Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để mở rộng các ứng dụng từ các công nghệ vệ tinh mới ra khu vực ASEAN và châu Á-Thái Bình Dương.
Về sự hợp tác với các cường quốc về vũ trụ, các chuyên gia cho rằng, sự kết hợp tốt nhất giữa các cơ sở hạ tầng dưới mặt đất cũng như các vệ tinh của Việt Nam với công nghệ và dịch vụ từ các nước phát triển khác là điều vô cùng quan trọng để đạt được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Việc phát triển công nghệ vệ tinh cũng thúc đẩy các doanh nghiệp cho ra đời các ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau dựa trên khai thác dữ liệu vệ tinh.
Cũng theo các chuyên gia, có rất nhiều lợi ích khi ứng dụng công nghệ vệ tinh tại Việt Nam. Thí dụ như ứng dụng dữ liệu ảnh viễn thám ra-đa khẩu độ tổng hợp (SAR) và các ảnh viễn thám quang học cho phép quan sát tình trạng cây trồng, giai đoạn sinh trưởng, đánh giá năng suất, từ đó tính toán được nhu cầu nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu phù hợp cho nông sản chất lượng cao, đồng đều, giảm chi phí canh tác và cho phép ước tính sản lượng lúa thu hoạch nhằm hoạch định kế hoạch xuất khẩu gạo.
Vào mùa khô năm 2020, đồng bằng sông Cửu Long bị hạn mặn nghiêm trọng, nhưng nhờ nắm được kịp thời thông tin về giai đoạn sinh trưởng của các ruộng lúa vùng ven biển nhờ ứng dụng ảnh vệ tinh, ngành nông nghiệp đã đưa ra biện pháp triển khai gieo sạ sớm vụ đông xuân, tránh được thiệt hại mùa màng do ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh đã có những ứng dụng trong kiểm kê rừng, khai thác rừng trồng, cháy rừng hoặc theo dõi chặt phá rừng.
Trong lĩnh vực đô thị-hạ tầng, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các ứng dụng công nghệ vệ tinh để theo dõi mức độ sụt lún đất trên diện rộng; theo dõi hiện trạng và diễn biến phát triển đô thị để cung cấp thông tin cho quản lý và quy hoạch vùng. Trong quản lý hàng hải, có thể giám sát các hoạt động đánh bắt trái phép, ô nhiễm trên biển, theo dõi thủy triều đỏ và các đợt ra hoa của tảo. Một số ứng dụng hiệu quả khác của dữ liệu ảnh vệ tinh như kiểm kê đất đai, đánh giá chất lượng nước, chất lượng không khí, giám sát lũ lụt, xói lở bờ sông, bờ biển,...
Theo PGS, TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, các nghiên cứu, đánh giá về tính cấp thiết và nhu cầu của Việt Nam về quan sát Trái đất sử dụng vệ tinh là cơ sở để hoàn thiện báo cáo tiền khả thi trình Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Chính phủ phê duyệt báo cáo, làm cơ sở thực hiện đề án Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ.
Gửi phản hồi
In bài viết