Tiêm vắc xin phòng Covid-19: ''Vũ khí'' đẩy lùi dịch bệnh

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo, sẽ là sai lầm lớn nếu bất kỳ quốc gia nào nghĩ mối nguy hiểm từ đại dịch Covid-19 đã kết thúc và kêu gọi các nước nỗ lực tiêm chủng để đẩy lùi dịch bệnh.

Tuy hầu hết các chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 được thực hiện trên tinh thần tự nguyện nhưng WHO và chính phủ các nước khuyến khích người dân thay đổi nhận thức, đồng thời chủ động tham gia tiêm chủng, bởi vắc xin được cho là "vũ khí" lợi hại đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này.


Mỹ đưa ra rất nhiều chương trình để khuyến khích người dân đi tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Dù chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên thế giới đang bước vào giai đoạn then chốt, song nhiều người vẫn còn do dự khi đi tiêm. Nguyên nhân một phần đến từ những thông tin sai lệch có sức ảnh hưởng trong cộng đồng hay trên mạng xã hội. Thông tin gần đây về các tác dụng phụ, cho dù hiếm gặp, đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia y tế nhận định, càng chần chừ tiêm vắc xin, vi rút càng biến chủng nguy hiểm, người dân càng dễ bị lây, khiến dịch bệnh kéo dài, hậu quả càng thảm khốc. Bản chất việc tiêm vắc xin là đưa vật chất hoặc các protein vô hại từ vi rút vào cơ thể để kích thích sinh ra kháng thể nhằm chống lại vi rút đó. Các kháng thể sẽ duy trì hoạt động trong cơ thể người được tiêm, từ đó sẵn sàng chống lại các loại vi rút, vi khuẩn đã được tiêm trong vắc xin.

Hiện có nhiều loại vắc xin phòng Covid-19 đang được phát triển, phê duyệt và phân phối. Các thử nghiệm cho thấy, vắc xin của Pfizer có tỷ lệ hiệu quả là 95%; vắc xin của Moderna là 94%. Các loại vắc xin khác cũng có hiệu quả cao chống lại vi rút SARS-CoV-2. Tỷ lệ miễn dịch an toàn cho cộng đồng đối với dịch Covid-19 là 70%, tức là khi 70% người trong cộng đồng đó được tiêm vắc xin thì dịch sẽ được khống chế.

Mới đây, Malta là quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố đạt miễn dịch cộng đồng. Tính đến ngày 24-5, Malta đã tiêm vắc xin Covid-19 cho ít nhất 70% dân số trưởng thành với ít nhất 1 liều và 42% dân số đã được tiêm đầy đủ 2 liều. Tiến độ "phủ sóng" vắc xin đã giúp giảm 95% số người phải nhập viện điều trị do Covid-19 ở Malta. Ở Israel, số ca nhiễm mới cũng đang giảm dần khi chương trình tiêm phòng Covid-19 đẩy mạnh. Bộ trưởng Y tế Israel Yuli Edelstein cho biết, từ ngày 1-6, nước này đã dỡ bỏ gần như tất cả  các biện pháp hạn chế để chống dịch Covid-19. 

Kỳ vọng tốc độ tiêm chủng nhanh sẽ giúp sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, nhiều nước đang có những sáng kiến nhằm khuyến khích người dân đi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Mỹ kỳ vọng tiêm ít nhất 1 liều cho 70% người trưởng thành trước ngày Quốc khánh 4-7. Để khuyến khích người dân, bang New Jersey đã công bố chương trình "Tiêm vắc xin và bia". Theo đó, những người từ 21 tuổi trở lên được uống bia miễn phí sau khi tiêm mũi đầu tiên trong tháng 5. Tiểu bang California thì đề xuất tặng hơn 116 triệu USD tiền mặt và thẻ quà tặng cho những người dân tiêm vắc xin trước ngày 15-6.

Còn Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng ngay trước dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7-2021 và Thế vận hội mùa Đông 2022 ở Bắc Kinh. Để thực hiện mục tiêu trên, nhiều phần quà nhằm khuyến khích người dân đi tiêm chủng đã được quảng bá tại Bắc Kinh và nhiều thành phố lớn. Cùng với các biện pháp khuyến khích, chiến dịch nâng cao nhận thức về vắc xin cũng đã được truyền thông ở nhiều nơi, khiến nhiều người dân thay đổi quan điểm, có cái nhìn tích cực hơn về tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhanh nhất có thể bởi vắc xin là thứ "vũ khí" lợi hại trong cuộc chiến đối phó với loại vi rút nguy hiểm này.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục