Trong ngày 2-6, Tổ chức Y tế thế giới thông báo đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắc xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất.
Tại Hội nghị cấp cao về tài trợ cho cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu COVAX do Nhật Bản và Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) đồng tổ chức trực tuyến ngày 2-6, chính phủ nhiều nước, các tổ chức quốc tế cùng các nhà tài trợ đã cam kết đóng góp thêm 2,4 tỷ USD cho cơ chế này nhằm phân phối vắc xin cho các nước thu nhập thấp và trung bình.
Mức đóng góp có nhiều khác biệt, từ 2.500 USD bởi đảo quốc Mauritius cho tới hàng triệu USD từ các nước giàu. Trong số đó, đáng chú ý là Australia với cam kết đóng góp thêm 39 triệu USD; Quỹ Bill và Melinda của tỷ phú công nghệ Bill Gates với cam kết đóng góp 50 triệu USD... Những nỗ lực như vậy đã nâng tổng giá trị đóng góp của quốc tế dành cho COVAX đạt gần 9,6 tỷ USD.
Châu Âu
Trước thềm Olympic Tokyo, Liên minh châu Âu (EU) đã chấp thuận đưa Nhật Bản trở lại danh sách các nước được khối này cho phép đi lại không thiết yếu. Tuy nhiên, khối này vẫn duy trì Anh ở ngoài danh sách, do lo ngại sự gia tăng của các ca nhiễm biến thể SARS-CoV-2 lần đầu phát hiện tại Ấn Độ.
Đức thông báo sẽ dỡ bỏ cơ chế ưu tiên tiêm chủng từ ngày 7-6, đồng nghĩa toàn bộ công dân nước này từ 12 tuổi trở lên đều sẽ được tiêm vắc xin Covid-19. Tới nay, Đức chỉ tiếp nhận đăng ký tiêm chủng của những đối tượng ưu tiên như lực lượng y, bác sĩ ở tuyến đầu phòng, chống dịch, người cao tuổi, những người có bệnh lý nền... Berlin cũng có kế hoạch chi trả kinh phí thường niên cho các nhà sản xuất vắc xin Covid-19 để duy trì lượng vắc xin dự phòng mỗi năm khoảng 600-700 triệu liều, qua đó có thể sẵn sàng ứng phó với các đợt bùng phát trong tương lai.
Tương tự, Pháp cũng sẽ bắt đầu tiêm phòng cho tất cả trường hợp trên 12 tuổi bằng vắc xin Pfizer/BioNTech kể từ ngày 15-6 tới. Trước đó, nước này đã bắt đầu tiêm phòng cho những người trên 18 tuổi kể từ ngày 31-5.
Tây Ban Nha sẽ mở cửa trở lại các hoạt động về đêm ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm thấp. Nước này đang đặt mục tiêu sẽ đạt miễn dịch cộng đồng trước thời điểm giữa tháng 8 tới.
Châu Á - châu Đại Dương
Trung Quốc ghi nhận 24 ca mắc Covid-19 mới tại tỉnh Quảng Đông, trong đó có 14 ca nhập cảnh và 10 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số này, có 7 ca được phát hiện ở thành phố Quảng Châu và 3 ca ở thành phố Phật Sơn. Thành phố Quảng Châu đang là "tâm chấn" của đợt bùng phát dịch Covid-19 cục bộ mới nhất ở Trung Quốc.
Đài Loan (Trung Quốc) cũng thông báo 549 ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng trong ngày 2-6, tăng mạnh so với con số 327 ca lây nhiễm cộng đồng trong ngày trước đó.
Ấn Độ ghi nhận thêm 134.105 ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua. Hiện, quốc gia Nam Á đã có 28.440.988 triệu ca mắc, trong đó có 335.102 người đã tử vong.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà vào ngày 7-6 với mục tiêu là có 70% dân số được tiêm mũi đầu tiên vào cuối tháng 9. Thủ tướng nước này Prayut Chan-o-cha cho biết, trong tháng này, chính phủ dự kiến mua thêm vắc xin phòng Covid-19, sử dụng ngân sách thường xuyên và ngân sách đặc biệt cũng như các khoản vay để mua vắc xin.
Campuchia ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới tăng trở lại, lên mức 750 ca trong 24 giờ qua, sau thời gian luôn ở mức trên dưới 500 ca/ngày trong những tuần gần đây. Trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện tại tất cả 25 tỉnh, thành, Campuchia đã đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng Covid-19. Hết tháng 5, hơn 2,6 triệu người ở nước này đã được tiêm phòng Covid-19, tương đương 26,25% trong tổng số 10 triệu người sẽ được tiêm phòng để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Do tình hình dịch bệnh trên cả nước hạ nhiệt, Lào đã đóng cửa thêm một bệnh viện dã chiến có 300 giường ở thủ đô Viêng Chăn. Tuy nhiên, Cục Cảnh sát nhập cư Lào sẽ tăng cường sàng lọc tất cả trường hợp nhập cảnh, bao gồm cả các chuyên gia và người nước ngoài làm việc cho các dự án phát triển, để đảm bảo mọi trường hợp nhập cảnh đều được xét nghiệm và những người mới đến đều được cách ly, sau khi nước này phát hiện nhiều ca mắc mới là người nhập cảnh.
Malaysia trải qua ngày thứ 2 liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới trên 7.000 ca/ngày.
Tại Australia, Melbourne đã gia hạn lệnh phong tỏa thêm 7 ngày trong nỗ lực kiểm soát một ổ dịch với hàng trăm ca mắc Covid-19 tại đây. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ đối với người dân bang Victoria sinh sống bên ngoài thành phố Melbourne, dù một loạt biện pháp hạn chế khác vẫn tiếp tục được duy trì, như quy định giới hạn số lượng người tới dự đám cưới hoặc đám tang.
Châu Mỹ
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới vì Covid-19, với 34.149.053 ca nhiễm bệnh, trong đó 610.912 người đã tử vong. Tuy nhiên, tiến trình tiêm phòng vắc xin của xứ Cờ hoa tiếp tục có những bước tiến đáng nể. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ thông báo, tính tới ngày 2-6, nước này đã chủng ngừa được cho 296.912.892 trường hợp.
Trong khi đó, nước láng giềng Mexico ghi nhận 3.269 ca nhiễm Covid-19 mới, cùng với đó là 306 trường hợp tử vong vì đại dịch.
Canada sẽ đóng cửa trường học tại Ontario - bang đông dân nhất nước - cho tới tháng 9 tới. Nước này hiện đã tiêm liều vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên cho 60% người trưởng thành, trong đó tỷ lệ tiêm đầy đủ hai mũi đạt 6%.
Tại Nam Mỹ, Colombia đã bắt đầu tiến trình mở cửa biên giới trở lại với Venezuela sau 14 tháng ngăn chặn đi lại do lo ngại Covid-19 lây lan. Trong khi đó, Argentina sẽ bắt đầu tự sản xuất vắc xin Sputnik V sau khi lô sản xuất thử nghiệm tại nước này được Nga chứng nhận đạt chất lượng.
Gửi phản hồi
In bài viết