Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu, tìm ra những điểm nóng có thể là nơi xảy ra việc lây nhiễm virus corona từ dơi sang người. Ảnh: AFP
Một nghiên cứu của Đại học California-Berkeley, Đại học Bách khoa Milan và Đại học Massey của New Zealand, đã được công bố trên tạp chí Nature Food ngày 31.5.
Các nhà khoa học sử dụng công nghệ viễn thám để phân tích các mô hình sử dụng đất trong phạm vi của dơi móng ngựa, kéo dài từ Tây Âu qua Đông Nam Á.
Nhóm nghiên cứu đã xác định các khu vực rừng bị chia cắt, định cư và sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, sau đó so sánh với môi trường sống của dơi móng ngựa đã biết.
Điều này cho phép họ tìm ra những điểm nóng tiềm năng, nơi có môi trường sống thuận lợi cho các loài dơi thuộc họ móng ngựa (Rhinolophidae) này, và nơi các virus gây bệnh từ động vật có thể nhảy từ dơi sang người.
Trước đó, một nghiên cứu tiến hành vào năm 2017 đã liên hệ việc chia cắt rừng và phá hủy môi trường sống ở Châu Phi với sự bùng phát của virus Ebola.
Các chuyên gia tiết lộ vị trí của các 'điểm nóng' toàn cầu nơi các virus Corona chết người có thể đã xuất hiện, do những thay đổi toàn cầu trong việc sử dụng đất của con người - bao gồm cả ở Trung Quốc, Pháp và Anh.
Sự chia cắt rừng, mở rộng nông nghiệp và chăn nuôi đang khiến con người tiếp xúc gần hơn với dơi móng ngựa, loài được biết là mang bệnh truyền từ động vật, trong đó có virus gây COVID-19.
Các điều kiện đã ''chín muồi'' để dịch bệnh truyền từ dơi sang người, điển hình là ở Trung Quốc, là nơi nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm thịt đã thúc đẩy việc mở rộng chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn.
Các nhà nghiên cứu cho biết, chăn nuôi tập trung đang được quan tâm vì nó quy tụ một số lượng lớn các động vật giống nhau về mặt di truyền, thường bị ức chế miễn dịch và rất dễ bị bùng phát dịch bệnh.
Các điểm nóng toàn cầu lớn khác ngoài Trung Quốc được tìm thấy ở Java, Bhutan, đông Nepal, bắc Bangladesh, bang Kerala và đông bắc Ấn Độ.
Mặc dù cũng có những nơi không phải điểm nóng và có nguy cơ thấp ở miền nam Trung Quốc, phân tích cũng cho thấy rằng các khu vực phía nam Thượng Hải, cũng như Nhật Bản và bắc Philippines, có nguy cơ trở thành điểm nóng với tình trạng rừng bị chia cắt nhiều hơn.
Trong khi đó, các khu vực Đông Nam Á lục địa (Đông Dương) và Thái Lan có thể chuyển thành các điểm nóng với sự gia tăng sản xuất chăn nuôi, nghiên cứu tiết lộ.
Tác giả nghiên cứu Paolo D'Odorico, giáo sư khoa học, chính sách và quản lý môi trường tại Đại học California-Berkeley cho hay: “Sức khỏe con người gắn liền với sức khỏe môi trường và sức khỏe động vật. Nghiên cứu của chúng tôi là một trong những nghiên cứu đầu tiên kết nối các điểm lại với nhau và thực sự đi sâu vào dữ liệu địa lý về việc sử dụng đất để xem cách con người tiếp xúc với các loài có thể là vật mang mầm bệnh''.
Nguồn gốc chính xác của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 hiện vẫn chưa rõ ràng và chưa bao giờ được xác nhận chính thức. Giả thuyết phổ biến nhất của các nhà khoa học là nó xuất hiện khi một loại virus ở dơi móng ngựa có thể đã lây sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc lây nhiễm gián tiếp qua một loài động vật trung gian - có thể là tê tê.
Dơi móng ngựa được biết là loài động vật mang nhiều loại virus Corona, bao gồm cả những chủng tương tự về mặt di truyền với những chủng gây ra bệnh dịch COVID-19 và hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS). Chúng thường được quan sát thấy ở những khu vực đặc trưng có sự xáo trộn của con người.
Gửi phản hồi
In bài viết