Kỳ thi Đình đầu tiên dưới thời Nguyễn
Nguyễn Ý sinh năm 1796, người làng Vân La, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (nay là thôn Vân La, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, thân phụ là Nguyễn Cuông. Học giỏi từ bé, năm 1821 ông đỗ Cử nhân. Ngay năm sau, ông từ biệt cha mẹ, vợ và 3 con thơ để vào Huế dự thi Hội, thi Đình.
Kỳ thi Hội diễn ra vào tháng 4-1822, Nguyễn Ý đỗ đầu khoa thi Hội và nhận học vị Hoàng giáp Tiến sĩ. Năm 1822, ông tham gia thi Đình và cũng đỗ đầu, được gọi là Đình nguyên, sau làm quan đến chức Biên tu đệ nhất. Tại kỳ thi Đình năm đó, vua Minh Mạng đích thân vấn sách ở trường thi. Khi được nhà vua hỏi, Nguyễn Ý đã đáp: “Việc trị dân không gì trước hơn là dạy học, xét thời thánh minh ắt đã không còn ai chưa được giáo hóa... Để trị nước không gì bằng nhân tài, mừng thánh triều đã thực sự được người, những mong cùng nhau lo mưu, làm sáng tỏ công việc, ắt giữ chức đều là người quân tử, tìm hỏi khắp nơi, thu gom mọi chốn, mới có được lúc đủ người tài mà sung thực” (trích "Nguyễn Ý tiến sĩ Đình nguyên bia ký").
Kỳ thi Đình không chia thứ bậc, chỉ xếp theo thứ tự, ai đỗ cao hơn được xếp trên. Trên tấm bia đầu tiên thuộc hàng đầu trong Văn Miếu Huế có khắc tên 7 vị tiến sĩ đỗ kỳ thi Đình năm 1822, tên của Tiến sĩ Nguyễn Ý được khắc ở trên cùng.
Theo ông Nguyễn Văn Đễ, 78 tuổi, nguyên Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Vân La, người từng vào kinh thành Huế tìm hiểu về cuộc đời Nguyễn Ý cho biết: Cụ Nguyễn Ý làm quan đến chức Biên tu, phụ trách Hàn lâm viện, ghi chép, biên tập, xuất bản văn thơ, lịch sử... Sau 3 năm nhận chức vụ này, cụ mất do bệnh. Đến nay, chưa rõ cụ mất chính xác năm nào. Sau khi cụ mất, đại thần Phan Thanh Giản tiếp quản công việc của cụ, chứng tỏ đây là một chức vụ rất quan trọng trong triều đình Huế.
Khích lệ tinh thần hiếu học
Nguyễn Ý mất và được chôn cất tại Huế. Ở quê nhà Vân La, con cháu lập nhà thờ họ từ đời cha Nguyễn Ý là Nguyễn Cuông. Thời trẻ, Nguyễn Ý có nhiều bạn đồng môn. Họ đã viết đôi câu đối về ông ở hai bên cột hiên nhà thờ: “Văn chương tiêu nhất giáp/ Khoa đệ vĩ đồng châu”, đại ý: Văn chương giỏi nhất vùng, bao la như châu thổ.
Nhà thờ dòng họ Nguyễn được làm bằng gỗ, sau thời gian dài bị mối mọt, xuống cấp nên năm 2005 đã được xây dựng lại. Đây là nơi thờ cụ tổ đời thứ nhất là Nguyễn Cuông (đỗ Tú tài), đời thứ hai là Nguyễn Ý (đỗ Tiến sĩ) cùng nhiều vị đỗ đạt khác qua các thời kỳ. Trong nhà thờ có bức đại tự đề 4 chữ: “Ẩm hà tư nguyên”, nghĩa là “Uống nước nhớ nguồn”, nhằm nhắc nhở con cháu nhớ ơn những người có công.
Ông Nguyễn Văn Đễ cho biết, năm 2019, thôn Vân La đã tổ chức cho một số người dân thăm kinh thành Huế và sưu tập tư liệu về cụ Nguyễn Ý. Sau đó, làng đã dựng nhà bia Nguyễn Ý ngay trước đình làng, nội dung chủ yếu nói về cuộc đời và bài đối của cụ với vua Minh Mạng trong kỳ thi Đình năm 1822. Ông Đễ còn cho biết thêm: “Nguyễn Ý còn 2 người con nữa là Nguyễn Thục (Đồ Thục) và Nguyễn Thiệu (Khóa Thiệu) đều đỗ đạt, song 2 chi này hiện không còn sinh sống ở Vân La, chỉ còn chi Cử Dao (Nguyễn Dao)”.
Ngoài tấm bia đá lớn được làng dựng, ngay trong nhà thờ họ Nguyễn cũng có một tấm bia đá nhỏ. Nội dung tấm bia được ông Nguyễn Kiên (đời thứ 7) lập tháng 2-2004 bằng cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ, nội dung nói về các mốc thi cử, làm quan của Nguyễn Ý và con là Nguyễn Dao từng làm quan huyện.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng thôn Vân La cho biết: Cụ Nguyễn Ý là danh nhân nổi tiếng về tài học, nên quỹ Khuyến học thôn mang tên Nguyễn Ý với mong muốn khích lệ con em trong thôn học tập thật tốt. Ngoài ra, trục đường chính của thôn dài 1.200m cũng vinh dự mang tên cụ. Nhà bia Nguyễn Ý nằm trong tour sinh thái - tâm linh của xã Hồng Vân, nhằm mục đích quảng bá tinh thần hiếu học tới khách tham quan, ôn lại lịch sử khoa bảng của địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết