An Bang là một đảo chìm, nằm cách đảo Trường Sa 75 hải lý về phía Đông Nam, cách bãi Thuyền Chài hơn 20 hải lý về phía Tây Nam. Đảo nằm trên thềm san hô ngập nước, bờ đảo được bao bọc bởi các tảng đá san hô lớn, cấu trúc san hô dựng đứng nên thường xuyên có sóng lớn. Việc ra vào đảo An Bang không dễ dàng như nơi khác, dù sức gió chỉ mới ở cấp 3 hoặc 4. Đây là nơi mà tàu thuyền khó cập bến nhất trong số các thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa. Đã có những tàu phải quay về hoặc chờ khi sóng lặng mới lên được đảo. Có đoàn công tác đến đảo vào mùa sóng lặng nhưng xuồng chở khách vẫn không vào bờ được nên bộ đội phải nghe văn công và các thành viên đoàn công tác hát từ tàu truyền qua sóng bộ đàm.
Bộ đội và các thành viên đoàn công tác cùng vui văn nghệ trên đảo Thuyền Chài.
May mắn, đoàn chúng tôi cập được vào đảo. Khoảng sân giữa 2 dãy nhà làm việc được chọn làm sân khấu văn nghệ. Các chiến sỹ trẻ đã tập trung từ trước đón Đoàn và tham dự buổi giao lưu văn hóa văn nghệ với các ca sĩ, diễn viên đi cùng đoàn công tác. Sân khấu nhỏ chỉ trang trí khá đơn giản ngay bên cột mốc chủ quyền của đảo, xung quanh có nhiều cây bàng vuông, mù u, tra… lâu năm rợp bóng mát làm cho không khí giao lưu văn nghệ càng thêm gần gũi. Ba chiến sỹ trẻ ôm ghi ta hát một bài hát tự sáng tác, khiến các diễn viên chuyên nghiệp và đoàn công tác vỗ tay không ngớt. Ai cũng thầm thán phục họ - phải yêu đảo, yêu đời lắm, họ mới tự viết được những lời hát tự trái tim và hát say sưa đến thế.
Các chiến sỹ đảo Nam Yết hào hứng phụ họa cùng tiết mục của diễn viên chuyên nghiệp.
Khi chúng tôi đến đảo chìm Thuyền Chài C, sau những lời chào hỏi mừng rỡ phút gặp mặt, nghe chỉ huy đảo báo cáo tình hình; là một liên hoan văn nghệ giữa lính đảo và các thành viên đoàn công tác. Cả diễn viên chuyên nghiệp của đoàn ca múa Khánh Hòa và cán bộ chiến sỹ đảo cùng hòa ca như đã cùng luyện tập từ rất lâu. Tiếng hát cất cao, át cả tiếng sóng và gió xung quanh đảo chìm. Các tiết mục nối nhau như không muốn dừng, để đến khi đoàn công tác rời đảo về tàu, vẫn nghe tiếng hát vẳng theo cùng tiếng sóng.
Các chiến sỹ trẻ đảo An Bang trình diễn ca khúc tự sáng tác.
Tại đảo Nam Yết, có cả một sân khấu nhỏ giữa tán bàng vuông mát rượi để đón đoàn công tác. Các chiến sỹ trẻ măng ôm đàn biểu diễn những tiết mục đã luyện tập từ rất lâu. Một trò chơi tập thể được bắt đầu, người hát trước dừng ở câu nào, người hát sau sẽ bắt đầu bằng bài hát có từ nằm trong câu đó. Sức trẻ, sự say sưa ca hát và những ánh mắt thật vui của lính đảo khiến không ai nghĩ mình đang đứng giữa trùng khơi.
Tại đảo Trường Sa Lớn, đêm văn nghệ có cả những gia đình đang sinh sống trên đảo. Những tiết mục của bộ đội, văn công, học sinh nối tiếp nhau, ngân vang trên mặt sóng. Một chiến sỹ trẻ tâm sự: Ngày đầu ra đây, cháu cũng rất nhớ nhà. Nhưng được chỉ huy và đồng đội động viên, ngày miệt mài huấn luyện, tối tối vui văn nghệ nên quen dần. Nay chúng cháu đều coi đơn vị là nhà, đảo là quê hương rồi. Khi tàu chúng tôi chuẩn bị nhổ neo rời đảo, cán bộ chiến sỹ tập hợp thành 2 hàng ngang trên cảng để tạm biệt. Tiếng hát từ trên tàu và trên đảo lại cất vang, hòa quyện “Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”.
Bộ đội và diễn viên song ca như đã cùng luyện tập từ lâu.
Lời hát cứ vang mãi, ngân dài trên mặt sóng như nhắc nhớ về một phần máu thịt của Tổ quốc, nhắc nhớ đất liền luôn nhớ Trường Sa.
Gửi phản hồi
In bài viết