Tuy nhiên so với yêu cầu đặt ra, việc thực hiện vẫn còn những hạn chế đó là: Công tác tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên, sâu rộng, nội dung, hình thức chưa phong phú; ý thức, thói quen bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa cao; hoạt động của một số khu dân cư, tổ tự quản còn mang tính hình thức; công tác lãnh đạo của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quyết liệt; phong trào xử lý rác thải, chống rác thải nhựa nơi các trường học, doanh nghiệp chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định “Bảo vệ, cải thiện môi trường: chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt” là nội dung quan trọng trong 06 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế và 96% chất thải rắn thông thường được xử lý đạt tiêu chuẩn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đẩy mạnh phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, trong thời gian tới tỉnh xác định tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong việc bảo vệ môi trường và xử lý rác thải, chống rác thải nhựa. Nâng cao nhận thức về tác hại và nguy cơ ô nhiễm của rác thải nhựa, túi ni lon đối với môi trường và sức khỏe con người. Đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mọi người dân tích cực hơn trong công tác bảo vệ môi trường, chung tay xử lý rác thải, chống rác thải nhựa. Tạo thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, như các sản phẩm từ mây, tre đan, túi giấy…
Đưa việc thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các thôn, tổ dân phố. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, đoàn viên, hội viên của các tổ chức phải gương mẫu thực hiện nơi cư trú và nơi làm việc. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực tham gia công tác bảo vệ môi trường và xử lý rác thải, chống rác thải nhựa. Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động và nhân rộng các tổ tự quản về xử lý rác thải và chống rác thải nhựa nơi khu dân cư gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe nhân dân. Nâng cao chất lượng phong trào bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tế với từng địa phương, đơn vị, từ đó nâng cao ý thức cho người dân, hạn chế, tiến tới không sử dụng túi ni lon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần, chuyển sang sử dụng bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường.
Gửi phản hồi
In bài viết