Tiếp tục phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh

- Phát biểu của đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh; tổng kết 10 năm Nghị quyết số 33-NQ/TW.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

Kính thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Thưa quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 đã hoàn thành tốt đẹp chương trình, nội dung đề ra.

Hội nghị đã đánh giá toàn diện tình hình, kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Tuyên Quang trong thời gian tới. Đặc biệt, Hội nghị đã được nghe Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, với bề dày kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng trực tiếp truyền đạt nội dung chuyên đề: “Chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay”. Đó là những tri thức rất quý giá, là nội dung cụ thể, cốt lõi để các cấp, các ngành của tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tôi chân thành cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc đã dành thời gian tới dự và truyền đạt chuyên đề tại Hội nghị; tỉnh Tuyên Quang mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của đồng chí trong quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh.

Kính thưa quý đại biểu và các đồng chí!

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa của dân tộc; đến năm 1943, Đảng ta đã đề ra “Đề cương văn hóa Việt Nam”, trong đó chỉ rõ “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận: Chính trị, kinh tế, văn hóa”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói ngắn gọn nhưng rất sâu sắc: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát triển toàn diện con người; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh và động lực cho phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc”.

Quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh Tuyên Quang đã và đang chú trọng xây dựng, phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh cả trước mắt và lâu dài. Nổi bật là: Chất lượng môi trường văn hóa không ngừng được nâng lên; việc xây dựng đời sống văn hóa ở thôn, tổ dân phố, địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... đạt được nhiều kết quả quan trọng; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được triển khai sâu rộng; thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở từng bước được đầu tư, hoàn thiện; công tác quản lý, bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, văn hóa phi vật thể, văn hóa truyền thống được đẩy mạnh, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch; việc hợp tác, giao lưu, quảng bá văn hóa được chú trọng; dấu ấn về bản sắc văn hóa, con người Tuyên Quang từng bước được định hình, khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống xã hội…

Đại biểu dự hội nghị.

Kính thưa quý đại biểu và các đồng chí!

Để tiếp tục phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh, góp phần xây dựng Tuyên Quang trở thành “tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất là: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc phù hợp với thực tế, yêu cầu phát triển của địa phương. Tiếp tục xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; đầu tư cho văn hóa là đầu tư phát triển; đặt phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế; gắn kết chặt chẽ việc xây dựng, phát triển văn hóa với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Phát huy vai trò, sức mạnh của giá trị văn hóa, thực sự là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh, là mục tiêu và động lực để xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển toàn diện, bền vững.

Tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại gắn với phát triển du lịch. Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác để quảng bá văn hóa đặc sắc, phong phú, các giá trị truyền thống tốt đẹp của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh với bạn bè trong nước và quốc tế.

Thứ hai là: Quan tâm xây dựng đời sống văn hóa theo hướng tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, cộng đồng, xã hội. Quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn kết chặt chẽ các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Từng bước tạo dựng, hình thành các sản phẩm văn hóa đặc trưng gắn liền với hình ảnh con người và quê hương Tuyên Quang. Kế thừa và phát huy những đặc tính tốt đẹp của con người Việt Nam, truyền thống quê hương cách mạng và bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, xây dựng con người Tuyên Quang: “Yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, trí tuệ, kỷ cương, sáng tạo”.

Chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, hệ thống chính trị và kinh tế, xác định đây là nhân tố quan trọng để xây dựng, phát triển văn hóa trong xã hội, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, trọng tâm là Quy định số 144 ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Xây dựng văn hóa trong cơ quan, đơn vị gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, có trình độ chuyên môn, kỷ cương, trách nhiệm, ứng xử văn hóa, văn minh, trọng dân, gần dân trong thực thi công vụ, nhất là thực hiện nghiêm các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục, thực hành liêm chính.

Thứ ba là: Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa. Quan tâm xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ sĩ phát huy sở trường, trí tuệ, sức sáng tạo để có nhiều hơn nữa các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, mang nét đẹp của cuộc sống, hình ảnh quê hương đất và người Tuyên Quang, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. 

Kính thưa quý vị đại biểu và các đồng chí!

Qua Hội nghị hôm nay, chúng ta cùng nhau nhận thức sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của giá trị văn hóa, con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tôi tin tưởng rằng: Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, sớm đưa nội dung Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh vào cuộc sống, lan tỏa sâu rộng, tạo thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy văn hóa Tuyên Quang phát triển. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tuyên Quang; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong sáng tạo, hưởng thụ văn hóa và xây dựng con người Tuyên Quang thời kỳ mới, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của quê hương, đất nước trong giai đoạn mới.

Một lần nữa, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xin kính chúc Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!

Tin cùng chuyên mục