Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn mới

Kết quả triển khai Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị cho thấy, trong giai đoạn 2012-2020, chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từng bước được hoàn thiện đồng bộ hơn, hướng tới việc mở rộng độ bao phủ; đồng thời bảo đảm quyền lợi người tham gia hiệu quả hơn, vừa bảo đảm nguyên tắc đóng-hưởng, hài hòa với tính chia sẻ, nhân văn.

Ngày 24/12, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020.

Triển khai đồng bộ, vượt chỉ tiêu

Theo Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, trong giai đoạn vừa qua, Nghị quyết 21-NQ/TW đã được triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức, quán triệt nghị quyết.

Ðặc biệt, công tác tổ chức thực hiện của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đạt được nhiều dấu ấn và kết quả quan trọng. Ðến hết năm 2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội là 16,18 triệu người, đạt 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 5,62 triệu người so năm 2012; trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,12 triệu người, tăng gấp 10 lần so năm 2012, đạt 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức và vượt 1,2% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Số người tham gia bảo hiểm y tế cũng tăng nhanh qua các năm, tính đến hết năm 2020 đã có khoảng 88 triệu người, chiếm 90,97% dân số, trong đó diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế. Như vậy, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và về đích trước thời hạn đối với công tác bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 theo Nghị quyết 21. Tuy nhiên, vẫn còn gần 10% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ người dân được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế vẫn ở mức cao, với hơn 51 triệu người, chiếm 58% tổng số đối tượng.

Trong bối cảnh số lượng người hưởng các chế độ chính sách ngày càng đông, khối lượng công việc ngày càng lớn, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tăng cường cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; giải quyết, chuyển đổi từ phương thức quản lý thủ công sang quản lý dữ liệu điện tử với toàn bộ đối tượng tham gia; các quy trình nghiệp vụ giải quyết chính sách đều được thực hiện trên phần mềm xét duyệt chính sách liên thông, chia sẻ dữ liệu với các phần mềm nghiệp vụ khác và cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành...

Tiếp tục đáp ứng nguyện vọng nhân dân

Tại hội nghị, bên cạnh các kết quả nổi bật đạt được, các đại biểu cũng thảo luận đánh giá về những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nghị quyết, như: Diện bao phủ bảo hiểm xã hội thấp, khó đạt được mục tiêu đề ra, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp so với tiềm năng. Ðộ bao phủ bảo hiểm xã hội chênh lệch rất lớn giữa các địa phương, giữa các vùng trong cả nước. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế chưa bền vững, chủ yếu do có sự hỗ trợ của Nhà nước. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn bất cập, chưa phù hợp thực tiễn; chậm được sửa đổi, bổ sung; chưa đồng bộ với các chính sách khác. Tình trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế xảy ra ở nhiều địa phương, thuộc các thành phần kinh tế...

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Việc tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Chính sách ngày càng đi vào cuộc sống, sẽ củng cố lòng tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội một cách bền vững; ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.

Theo đó, cần phân công cụ thể cơ quan chủ trì có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong đó, đối với bảo hiểm xã hội thực hiện theo đúng tinh thần, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; đối với bảo hiểm y tế phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các luật có liên quan... Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà địa phương có lợi thế; nhân rộng điển hình, mô hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế nhằm thu hút nhiều lao động, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt lực lượng lao động phi chính thức, chưa có quan hệ lao động, chưa tham gia bảo hiểm xã hội, coi đây là giải pháp quan trọng nhất hướng đến đối tượng dễ bị tổn thương nhằm gia tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế. Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo Nghị quyết số 28-NQ/TW gắn với trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức mà vai trò chính trong nghiên cứu, đề xuất và thực hiện chính sách pháp luật là cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Ðể thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian tới, các cấp ủy đảng cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật phù hợp  mọi đối tượng; gắn thực hiện có hiệu quả công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã được nêu tại Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng cũng như các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19.

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục