Vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn trên cánh đồng La Đàm, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang).
Vừa qua, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 01-BCĐ triển khai Tháng cao điểm đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo đó, các sở, ngành có liên quan phát huy vai trò quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các cấp và cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của mỗi tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh nông sản. Cùng với đó, tăng cường quảng bá các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn được công nhận với sự giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đến lưu thông thị trường. Trong đó có 128 sản phẩm OCOP gắn sao được đưa lên sàn giao dịch điện tử, các siêu thị, đơn vị phân phối trên toàn quốc và tại 8 điểm giới thiệu và bày bán sản phẩm OCOP các huyện, thành phố. Nhiều tổ tự quản "Đồng ruộng sạch, sản xuất sạch", mô hình "Vườn rau sạch", chăn nuôi an toàn bằng chế phẩm hữu cơ, mô hình trồng, chế biến, sản xuất và tiêu thụ theo tiêu chuẩn VietGAP... đã được nhân rộng đã nâng cao chất lượng nông sản của địa phương.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, quản lý cửa hàng Nông sản xanh Sáng Nhung, tổ 8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết, hiểu được tầm quan trọng của thực phẩm sạch đối với sức khỏe người tiêu dùng, cửa hàng đã ưu tiên bày bán và giới thiệu các mặt hàng nông sản, đặc sản vùng miền theo chuỗi liên kết OCOP. Cửa hàng cung cấp sản phẩm thịt lợn thảo dược sản xuất theo quy trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến khép kín, đảm bảo đưa đến người tiêu dùng sản phẩm thịt sạch, ngon và chất lượng.
Cửa hàng nông sản xanh Sáng Nhung bày bán và giới thiệu sản phẩm thịt lợn thảo dược.
Việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn không chỉ giúp hình thành tư duy sản xuất xanh, sạch, bền vững cho người nông dân mà còn góp phần từng bước thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm hàng ngày. Chị Nguyễn Thị Thu Trà, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) chia sẻ, là người công tác lâu năm trong ngành Y tế, chị hiểu được tầm quan trọng của thực phẩm sạch đối với sức khỏe bản thân và gia đình. Từ khi biết đến các sản phẩm nông nghiệp an toàn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chị đã lựa chọn sử dụng lâu dài cho gia đình. Theo chị, việc trở thành người tiêu dùng thông thái có ý nghĩa rất quan trọng. Những sản phẩm nông nghiệp chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, lạm dụng thuốc kích thích tăng trưởng, thực phẩm sử dụng phân bón quá liều… có thể gây ngộ độc, phát sinh nhiều bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân và thế hệ mai sau.
Thời gian qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, tổ chức tuyên truyền tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện các quy định đảm bảo ATTP. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban MTTQ, Hội Nông dân tổ chức hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi đúng quy trình. Trong Tháng cao điểm hành động vì ATTP bắt đầu từ ngày 15-4, chi cục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP, quảng cáo thực phẩm. Ông Lê Xuân Vân, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh nhấn mạnh, mỗi người dân hãy là một người tiêu dùng thông thái với đầy đủ kiến thức về ATTP, sử dụng sản phẩm nông sản có nguồn gốc, xuất xứ để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Gửi phản hồi
In bài viết