Thiếu đơn, thiếu kép
Trường Tiểu học Thắng Quân, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) năm học 2022-2023 tới có 32 lớp thuộc 5 khối, với trên 1.000 học sinh. Trong tổng số 32 lớp, có 18 lớp (6 lớp khối 3; 6 lớp khối 4 và 6 lớp khối 5) phải thực hiện dạy và học bộ môn tiếng Anh. Thầy giáo Phạm Văn Thìn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nếu thực hiện theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức dạy và học tiếng Anh là 4 tiết/tuần/lớp từ lớp 3 trở lên thì 2 giáo viên tiếng Anh của trường phải đảm nhận tới 18 lớp.
Giáo viên bộ môn tiếng Anh của các trường được tập huấn chuyên môn chuẩn bị cho năm học 2022-2023.
Giảm tải cho giáo viên, đồng thời thực hiện đúng định mức giáo viên cấp tiểu học là 23 tiết/tuần, trường đã linh hoạt sắp xếp ưu tiên khối lớp 5 được học 4 tiết tiếng Anh/tuần/lớp; các khối 3-4 giảm xuống còn 2-3 tiết tiếng Anh/tuần học/lớp. Thầy giáo Thìn chia sẻ, môn tiếng Anh thiếu nhưng dù sao vẫn còn có giáo viên để sắp xếp, bố trí đảm bảo việc dạy và học, còn đối với bộ môn Tin học khó chồng khó. Hiện nhà trường mới chỉ bố trí được phòng chứ thiết bị máy móc, giáo viên để đảm bảo yêu cầu dạy và học vẫn “trắng”.
Trường Tiểu học Hùng Thắng, xã Hùng Đức (Hàm Yên) cũng bộn bề khó khăn khi thiếu đơn, thiếu kép về cả giáo viên lẫn cơ sở vật chất, trang thiết bị. Cô giáo Đinh Thị Lệ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, từ khối 3-5, trường có 13 lớp bắt buộc phải học bộ môn tiếng Anh, tuy nhiên trường chỉ có 1 giáo viên dạy môn này. Giải pháp tình thế để cho học sinh tiếp cận và làm quen với bộ môn tiếng Anh, trường đang thực hiện sắp xếp được 2 tiết/tuần thay vì 4 tiết/tuần theo quy định. Còn đối với bộ môn Tin học, trường thiếu cả phòng lớp học, máy móc và cả giáo viên.
Không riêng ở các trường vùng nông thôn, ngay tại thành phố Tuyên Quang, đảm bảo đủ giáo viên tiếng Anh, Tin học đối với trường tiểu học thực sự là khó khăn. Ngay tại trường Tiểu học Hồng Thái, phường Minh Xuân, từ khối 3-5 học sinh chỉ được học 3 tiết tiếng Anh/tuần trong khi quy định phải là 4 tiết/tuần. Nguyên nhân do không đủ giáo viên để đứng lớp giảng dạy.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh đang thiếu 132 giáo viên bộ môn Tin học ở 132 trường tiểu học. Năm học 2022-2023, Chương trình Giáo dục phổ thông mới yêu cầu bắt buộc đối với môn tiếng Anh cho lớp 3 về cơ bản các trường sẽ linh hoạt bố trí đủ nhưng nếu tính dạy tự chọn cho cả lớp 4-5 theo chương trình tiếng Anh thí điểm và những năm tiếp theo, cấp tiểu học sẽ thiếu 118 giáo viên.
Khắc phục khó khăn
Đồng chí Nguyễn Thị Hằng, Trưởng Phòng Giáo dục Phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, đảm bảo cho việc tổ chức dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, đồng thời khắc phục những khó khăn trong việc thiếu giáo viên bộ môn tiếng Anh và Tin học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước mắt, Sở yêu cầu phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố phân công giáo viên dạy liên trường hoặc tăng cường song phải đảm bảo khoảng cách địa lý cho giáo viên. 10 năm về trước giải pháp này đã được thực hiện và phát huy hiệu quả, bởi trên thực tế ở bộ môn tiếng Anh, theo chương trình từ lớp 3 trở lên học 4 tiết/tuần/lớp, ở bộ môn Tin học chỉ 1 tiết/tuần/lớp. Do đó, các trường tiểu học phải phối hợp chặt chẽ để sắp xếp, bố trí phù hợp đảm bảo việc tổ chức dạy và học của cả giáo viên và học sinh. Tổ chức thực hiện dạy học trực tuyến nếu đảm bảo đủ trang, thiết bị dạy và học...
Trường Tiểu học Thắng Quân, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) có phòng học nhưng chưa được đầu tư máy tính và cũng chưa có giáo viên đảm nhận dạy môn Tin học.
Riêng đối với 132 trường tiểu học thiếu giáo viên bộ môn Tin học, Sở cũng đã có văn bản gửi các phòng giáo dục cử giáo viên văn hóa có năng lực, sở trường đi bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành. Hiện tại 137 giáo viên cấp tiểu học đang được bồi dưỡng kiến thức Tin học sẵn sàng đảm nhận việc dạy học ngay trong năm học 2022-2023 tới.
Cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Thái (TP Tuyên Quang) cho biết, trường đã trưng tập giáo viên thể dục của trường có bằng Đại học Công nghệ thông tin để đảm nhận việc dạy học bộ môn Tin học cho khối lớp 3 là 1 tiết/tuần/lớp. Tình trạng thiếu giáo viên Tin học của trường đã được tháo gỡ hiệu quả và hợp lý.
Cùng với giải pháp trước mắt, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tham mưu với UBND tỉnh thực hiện giải pháp lâu dài. Đó là, tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp trường, điểm trường, lớp học, trọng tâm là đưa học sinh lớp 3 về các điểm trường chính đảm bảo cho việc học của các em đạt hiệu quả, đồng thời giảm áp lực cho giáo viên cũng như việc đầu tư mua sắm trang thiết bị.
Đồng chí Trần Văn Bút, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Dương khẳng định, 31 xã, thị trấn có học sinh lớp 3 tại các điểm trường đã được đưa về điểm trường trung tâm đảm bảo cho việc dạy, học của giáo viên và học sinh theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới đạt hiệu quả. Phòng cũng đang tính toán sắp xếp, phân công giáo viên dạy bộ môn Tin học liên trường một cách hợp lý nhất.
Tại huyện Na Hang, 4/12 trường tiểu học có điểm trường đã được dồn ghép, học sinh lớp 3 tại các phân hiệu đã được đưa về điểm trường trung tâm. Huyện cũng hợp đồng với 4 giáo viên tiếng Anh cho 4 trường còn thiếu đảm bảo việc dạy và học theo đúng Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Theo lãnh đạo các trường tiểu học, liên cấp, Nhà nước sớm bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị máy móc để dạy và học bộ môn Tin học. Thực tế nhiều trường vẫn chưa có máy tính để thực hiện việc dạy và học. Hy vọng bằng nhiều nguồn lực cộng với sự nỗ lực của ngành Giáo dục và Đào tạo, tình trạng thiếu giáo viên bộ môn Tin học, tiếng Anh, cơ sở vật chất, thiết bị máy móc sẽ sớm được khắc phục đảm bảo cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh.
Gửi phản hồi
In bài viết