Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Ảnh: DUY LINH
Sáng 31/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Số đơn vị sự nghiệp công lập giảm 13,85%, biên chế công chức giảm 10,01%
Tóm tắt kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách, đồng thời huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế.
Cụ thể, công tác tham mưu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm, chú trọng; chất lượng từng bước được nâng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Giai đoạn 2016-2021, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 179 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương đã ban hành theo thẩm quyền 5.978 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Mức độ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế được nâng lên, đến năm 2020 có khoảng 13 nghìn tiêu chuẩn Việt Nam, tỷ lệ hài hòa khoảng 60%.
Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, các nguồn vốn nhà nước khác có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Tổng thu và quy mô thu ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2016-2020 tương ứng đạt 6,918 triệu tỷ đồng và bình quân đạt 25,3% GDP, vượt mục tiêu đề ra và gấp 1,66 lần giai đoạn 2011-2015.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp sáng 31/10. Ảnh: DUY LINH
Cơ cấu chi ngân sách nhà nước chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ mức 22,9% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2016 lên khoảng 29% năm 2020, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên từ 64,9% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2017 xuống dưới 64% năm 2020 theo đúng mục tiêu đề ra, nhưng vẫn bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ về an sinh xã hội, các lĩnh vực quan trọng.
Sắp xếp tinh gọn bộ máy, quản lý biên chế, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, là một thành tựu và kết quả nổi bật nhất giai đoạn 2016-2021.
Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, đất đai, khoáng sản được tăng cường. Một số địa phương đã chú trọng, quyết liệt xử lý thu hồi được nhiều dự án treo, dự án chậm tiến độ, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai. Tài nguyên nước và các tài nguyên khác từng bước được quản lý khai thác có hiệu quả, nâng cao dần khả năng bảo đảm an ninh nguồn nước.
Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tích cực. Nhiều vụ án kinh tế gây thất thoát nghiêm trọng vốn, tài sản nhà nước được xử lý nghiêm, thu hồi số vốn, tài sản nhà nước lớn, có tác dụng cảnh báo, răn đe, hạn chế các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, Báo cáo cũng nêu rõ, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Theo đó, việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm và hằng năm của các cấp, các ngành còn chậm, nhìn chung còn nặng về hình thức, chưa trọng tâm, trọng điểm.
Việc lập, thẩm định dự toán ngân sách nhà nước chưa sát thực tế; nợ đọng thuế, thất thu, chậm thu, thu không đúng, không đủ còn diễn ra tương đối phổ biến. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016-2020 rất chậm, còn nhiều bất cập, mới chỉ đạt 30% kế hoạch. Cùng với đó, nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, thẩm định giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính công, tài sản công, gây thất thoát, lãng phí lớn…
Xây dựng lộ trình xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong các dự án đầu tư công
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới, Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác giám sát các nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong kế hoạch giám sát hằng năm.
Đồng thời, nghiên cứu lồng ghép một số nội dung giám sát chuyên sâu việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào kế hoạch, nội dung các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 về sử dụng vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; đầu tư, mua sắm lĩnh vực y tế; đổi mới chương trình sách giáo khoa; quản lý, khai thác, sử dụng năng lượng.
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 31/10. Ảnh: DUY LINH
Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí phát hiện đến thời điểm báo cáo của từng đơn vị; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu có liên quan và thực hiện các giải pháp khắc phục đối với 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn 2016-2021 có thất thoát, lãng phí; 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật.
Trong năm 2022 và năm 2023, rà soát, tổng kết, đánh giá tác động các chồng chéo, chưa đồng bộ, kịp thời của hệ thống pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện các luật có liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đẩy nhanh lộ trình cải cách các chính sách thuế; trong năm 2023, hoàn thành việc rà soát toàn bộ công văn, quyết định hành chính ban hành không đúng thẩm quyền liên quan đến việc miễn, giảm, giãn, hoàn thuế.
Tăng cường chống chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI; giải quyết dứt điểm các trường hợp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trong quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tạo chuyển biến trong xử lý các khoản nợ đọng tiền thuế và tổ chức tổng kết đánh giá kết quả xử lý nợ đọng tiền thuế.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án đầu tư công, vốn nhà nước khác. Chậm nhất trong năm 2023 rà soát, tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình để có phương án xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA không hiệu quả, chậm tiến độ; dự án BT dở dang. Đồng thời, giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT theo quy định của pháp luật và hợp đồng BOT.
Gửi phản hồi
In bài viết