Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. (Ảnh ĐĂNG ANH)
Qua số liệu tổng hợp, phiên thảo luận lần này có 85 đại biểu Quốc hội phát biểu, 8 ý kiến đại biểu tranh luận, 40 đại biểu Quốc hội đăng ký nhưng chưa có thời gian phát biểu, 10 bộ trưởng và Phó Thủ tướng Chính phủ tham gia phát biểu, giải trình làm rõ hàng loạt vấn đề lớn, thời sự được đặt lên bàn nghị sự kỳ họp.
Trong không khí làm việc tích cực và dân chủ, các đại biểu bên cạnh việc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của năm 2022, đã thẳng thắn nêu lên diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình trong nước và quốc tế, những bất cập, hạn chế trong thời gian qua, đồng thời đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên thực hiện trong thời gian tới.
Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; và tập trung cho ý kiến về rất nhiều vấn đề được xã hội quan tâm. Từ vấn đề tự chủ của các bệnh viện; nguồn nhân lực, chế độ lương, phụ cấp đối với ngành y tế; việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế; bạo lực học đường, bạo lực gia đình; đến tình trạng thiếu giáo viên ở miền núi, vùng sâu vùng xa; ảnh hưởng của mạng xã hội trong giới trẻ; việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới...
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là các biện pháp chủ động ứng phó tình hình biến động, thách thức trong nước và thế giới, sẽ tác động và ảnh hưởng như thế nào đến tình hình thu chi ngân sách năm 2022, dự toán năm 2023; việc điều hành kinh tế, xã hội những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023; đến hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng; rồi việc triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia; đổi mới và hoàn thiện thể chế...
Bởi lẽ, như dự báo tình hình năm tới, nước ta phải đối mặt với nguy cơ, thách thức của vòng xoáy lạm phát và suy thoái, nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới, đại biểu Hoàng Văn Cường (thành phố Hà Nội) và nhiều đại biểu cho rằng trong bối cảnh đó, chúng ta "không nên say sưa với thành công, mà phải nhìn thẳng vào nguy cơ, thách thức đang đặt ra phía trước". Ông Hoàng Văn Cường nói rõ thêm, "là nền kinh tế có độ mở lớn, đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới thì việc vượt qua được vòng xoáy khủng hoảng của thế giới là một bài toán hết sức khó, cần phải tìm ra lời giải".
Các đại biểu trong phát biểu thảo luận bày tỏ đồng tình với nhóm 12 giải pháp của Chính phủ trình trước Quốc hội và nhấn mạnh cần ưu tiên giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, đề nghị Chính phủ khẩn trương có giải pháp kiềm chế lạm phát, khơi thông dòng vốn; mặt khác, trong lĩnh vực an sinh xã hội, cần sớm triển khai việc cho thuê, mua nhà ở cho người có thu nhập thấp, có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích đầu tư hỗ trợ cho các doanh nghiệp, mô hình kinh tế ở địa phương phát triển nông nghiệp...
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ tập trung quan tâm giải quyết rốt ráo, đạt mục tiêu về chuyển đổi cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững dựa trên kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh... Hai là, giải quyết các dự án đầu tư thua lỗ, ngân hàng yếu kém và các khoản nợ xấu. Ba là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. "Sự trễ hẹn về đổi mới và hoàn thiện thể chế tạo ra lực cản và điểm nghẽn cho các mục tiêu phát triển"- đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Những yêu cầu quan trọng khác được đặt ra trong thời gian trước mắt và lâu dài, tại diễn đàn Hội trường Diên Hồng và trao đổi với báo chí bên hành lang Nhà Quốc hội được nhiều đại biểu, trong đó có đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (thành phố Cần Thơ) nêu, là tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định, bền vững.
Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) nêu nhiều nội dung kiến nghị, trong đó nhấn mạnh "việc xây dựng các chính sách đặc thù, nhất quán về đất đai, tiếp cận nguồn vốn, cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh sẽ giúp khơi dậy sức mạnh nội lực của khối doanh nghiệp nội địa".
Đề cập thực tế tại nhiều nơi việc tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn còn nhiều khó khăn, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) và nhiều đại biểu cho rằng, cần có giải pháp mang tính chiến lược, trong đó nội dung lập pháp rất được cử tri và nhân dân trông đợi ở kỳ họp Quốc hội lần này là việc xem xét, sửa đổi Luật Đất đai; qua đó hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, tăng cường công tác quản lý, tránh tình trạng lãng phí đất đai; tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, thiếu thống nhất trong pháp luật đất đai, sự chồng chéo với các luật khác,...
Theo chương trình làm việc tuần thứ ba, một trong những nội dung quan trọng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đó là dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần đầu được trình ra kỳ họp Quốc hội khóa XV để thảo luận. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội; đặc biệt thể chế hóa ba mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề hệ trọng, thời sự đặt ra từ thực tiễn, khơi thông mạnh mẽ nguồn lực quốc gia, phù hợp xu thế phát triển đất nước bền vững, lâu dài.
Gửi phản hồi
In bài viết