Tại điểm cầu Tuyên Quang, đồng chí Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; lãnh đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện thành phố.
Đồng chí Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp tại điểm cầu Tuyên Quang.
Thời gian qua, việc thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã gắn kết với chuyển đổi số theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần, chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp ngày một được cải thiện.
Đến nay, có 50/83 Bộ, cơ quan, địa phương (chiếm 60,2%) thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức hoạt động của Bộ phận một cửa, quy chế Hệ thống tin giải quyết TTHC để bổ sung quy trình số hóa trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC; 67/76 bộ, ngành, địa phương đã ban hành Kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC, chiếm tỷ lệ 88,2%; 100% cơ quan, đơn vị nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, trong đó đã có 37/76 cơ quan, đơn vị (chiếm tỷ lệ 48,6%) đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật.
Hiện, 15 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công như: xác thực, định danh, bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy,…,
Tuy nhiên, công tác đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Còn có hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh”, thực hiện theo phong trào, chưa có sự quan tâm, sát sao của người đứng đầu, nhất là ở một số cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành, sở, ngành, huyện, xã ở địa phương.
Quá trình tham gia số hóa của các cán bộ, công chức, viên chức thẩm định, xử lý hồ sơ TTHC còn rất hạn chế, chủ yếu việc số hóa mới chỉ dừng lại ở sao chụp chuyển từ bản giấy sang bản điện tử, không những chưa đảm bảo giá trị pháp lý của giấy tờ được số hóa mà còn lãng phí nguồn lực số hóa, tốn kém tài nguyên lưu trữ...
Các đại biểu dự họp đã có nhiều ý kiến đánh giá về tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương; phân tích những nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong qua trình tổ chức, triển khai thực hiện.
Qua các ý kiến cho thấy nguyên nhân cơ bản là do các quy định TTHC trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; Công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công còn yếu. Nhất là kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, chưa thực sự gắn việc đánh giá chất lượng thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức định kỳ, hàng năm.
Các đại biểu cũng đã thảo luận cho ý kiến vào nội dung cơ bản Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, công tác đổi mới cải cách TTHC đạt được kết quả bước đầu mang tính khích lệ động viên trong thời gian tới; đã phát hiện ra một số mô hình chuyển đổi số trong cải cách TTHC hiệu quả ở các địa phương cần được nhân rộng. Tuy nhiên còn có nhiều điểm hạn chế. Trong đó công tác phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ; có nơi, có chỗ còn “sợ việc minh bạch”; chất lượng dịch vụ chưa cao còn nặng tính hình thức...
Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đổi mới cải cách TTHC, đồng chí đề nghị từng cấp từng ngành xem đây là việc quan trọng, là xu thế của tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới. Đồng thời phải phát huy vai trò của người đúng đầu, nơi nào người đứng đầu quan tâm thì công tác cái cách TTHC thi nơi đó triển khai tốt và ngược lại.
Đã đến lúc chúng ta phải có sự sòng phẳng giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp về việc cung cấp dịch vụ TTHC, đây là việc khó những phải từng bước thực hiện theo hướng đó; phải xác định rõ trách nhiệm những cơ quan, ban, ngành.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đồng bộ hệ thống, kết nối liên thông chia sẻ với nhau; phải linh hoạt ưu tiên nhiệm vụ nào trước, sau, cắt giảm các dịch vụ công. Đồng chí mong muốn mỗi cán bộ, công chức thực hiện công việc phải có đạo đức, có nhiệm, năng lực, phải biết lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp để kịp thời sửa chữa.
Gửi phản hồi
In bài viết