Tỏa sáng tinh thần đoàn kết

- Trong từng giai đoạn phát triển của Tuyên Quang, luôn có dấu ấn quan trọng của công tác Mặt trận để huy động sức mạnh đại đoàn kết từ các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, chung tay thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Truyền thống vẻ vang đó của MTTQ tiếp tục được kế thừa, phát huy để xây dựng tỉnh ngày càng phát triển.

“Lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho nhân dân”

Sứ mệnh của Mặt trận trong mọi thời điểm là đại đoàn kết dân tộc. Đại đoàn kết dân tộc chính là đòi hỏi khách quan của bản thân quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng mình, là sự nghiệp “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đoàn kết làm ra sức mạnh”, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công’’. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 91 năm qua, trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thách thức, Mặt trận vẫn luôn là mái nhà chung, khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của người Việt Nam, tập hợp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nắm tình hình phát triển
kinh tế - xã hội tại xã Kiến Thiết (Yên Sơn).

Thấm nhuần tư tưởng của Bác, nhận thức đầy đủ và sâu sắc quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên và lâu dài, trong suốt những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã nghiêm túc quán triệt, sáng tạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện một cách khoa học, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ, ý chí tự lực, tự cường, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Qua đó, đã tạo ra sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân. Vị thế của Tuyên Quang được nâng cao.

Tỉnh đã nhất quán, kiên trì nguyên tắc: Mọi chủ trương, chính sách đều xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân, phải được nhân dân đồng thuận, ủng hộ, nhân lên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Tỉnh luôn kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc; giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ môi trường sinh thái, chống rác thải nhựa thích ứng với biến đổi khí hậu...

Đặc biệt, ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 3 nghị quyết, 1 đề án; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 2 nghị quyết, 1 đề án; Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành 9 đề án về phát triển kinh tế - xã hội để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nhất là các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm để đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Thực hiện đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, từ đầu năm 2021 đến nay, MTTQ các cấp trong tỉnh đã vận động nhân dân đóng góp được trên 14,1 tỷ đồng tiền mặt, hiến trên 42.436 m2, trên 24 nghìn ngày công lao động làm 121,4 km đường bê tông nông thôn, bê tông nội đồng; lắp đặt 1,8 km cấu kiện bê tông đúc sẵn; xây dựng khuôn viên nhà văn hóa và đổ 675 m2 sân bê tông; phối hợp trồng mới và chăm sóc 26,5 km tuyến đường hoa; xây dựng 13,3 km đường điện “Thắp sáng đường quê”... Qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025. Các hoạt động giúp đỡ người nghèo, an sinh xã hội tiếp tục được thực hiện hiệu quả.

Bà Nông Thị Hòa, xã Thanh Tương (Na Hang) cho biết: nhờ có những chính sách hỗ trợ của tỉnh phát triển sản xuất, những công trình dân sinh, giao thông, thủy lợi... được đầu tư đã góp phần thiết thực nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Để góp phần cho những công trình được xây dựng thuận lợi, bà và nhiều hộ dân trong thôn luôn sẵn sàng hiến đất, góp công sức để xây dựng quê hương. Đầu năm nay, sau khi Nhà nước có chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường, bà và nhân dân thôn Bản Bung đã tự nguyện hiến 1.100 m2 đất để làm đường.

Đồng chí Ma Văn Tôn, Bí thư Đảng ủy xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) chia sẻ: nhân dân Kiên Đài luôn tự hào về truyền thống cách mạng, nhất là nơi ghi dấu hoạt động Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Thực dân Pháp. Truyền thống cách mạng ấy đang là động lực quan trọng để Kiên Đài vươn lên trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện mục tiêu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới vào năm 2021, từ đầu năm đến nay, nhân dân Kiên Đài đã tham gia hàng nghìn ngày công, đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Cùng với đó, tích cực thi đua lao động sản xuất nâng cao thu nhập. Tất cả đang đoàn kết, đồng lòng để hướng đến hoàn thành xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay.

Quy tụ sức mạnh đại đoàn kết  phòng, chống dịch

Đại dịch Covid-19 đã làm xáo trộn cuộc sống, sản xuất của người dân. Mặc dù chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19, nhưng với tinh thần đoàn kết, tỉnh đã thực hiện rất tốt “mục tiêu kép” theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm chống dịch như chống giặc, tỉnh không chỉ luôn nỗ lực giữ địa bàn an toàn, mang lại cuộc sống bình yên, ổn định cho nhân dân, Tuyên Quang còn luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ, chi viện về vật chất, con người cho các địa phương trong cả nước gặp khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

Nhà văn hóa thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú (Na Hang) được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng
của nhân dân trong thôn. Ảnh: Cảnh Trực

Với phương châm “Mỗi khu dân cư, mỗi gia đình là một pháo đài; mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên quán triệt nghiêm túc, triển khai đầy đủ các văn bản của Trung ương và tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19. Vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, người có uy tín trong cộng đồng, đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo trong tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch được phát huy tối đa. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch của nhân dân với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Thông qua kênh của Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã kêu gọi được sự chia sẻ, đồng tình, ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đối với công tác phòng, chống dịch. Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, huyện đã nhận được tiền và hiện vật trị giá trên 19 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, nhiều hoạt động thiết thực, kịp thời động viên tuyến đầu chống dịch và hỗ trợ các đơn vị bị ảnh hưởng do dịch bệnh được MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai hiệu quả. Tỉnh đã tổ chức thăm, động viên, tặng quà cho các chốt kiểm soát dịch bệnh và cơ sở cách ly trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các đoàn cán bộ y tế tham gia phòng, chống dịch tại các tỉnh với số tiền trên 8,6 tỷ đồng. Cùng với đó, MTTQ tỉnh đã chuyển ủng hộ và thăm hỏi Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh miền Nam (Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang) số tiền 6,3 tỷ đồng. Trong đó, 4,5 tỷ đồng tiền mặt và 1,8 tỷ đồng giá trị vật tư y tế. Mới đây, khi tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại tỉnh Hà Giang, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 2 tỷ đồng tiền mặt và nhiều nhu yếu phẩm vật tư  y tế giá trị hơn 2,6 tỷ đồng. Ngoài ra, MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên đã vận động, tiếp nhận hàng nghìn tấn nông sản để giúp nhân dân các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, với tổng trị giá trên 14,5 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đỗ Minh Tân cho biết: Bước vào giai đoạn chống dịch mới “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, trong đó người dân được xác định là trung tâm, là chủ thể, quyết định sự thành công trong giai đoạn mới này. Vì thế, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đang tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp với các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động nhân dân. Qua đó, để mỗi người dân phải là một chiến sỹ, là lá chắn thép và chiến thắng dịch bệnh. Đồng thời, cũng cần xác định rõ việc thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là trách nhiệm, quyền lợi của nhân dân.

Tự hào truyền thống 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắp các khu dân cư trong tỉnh đang diễn ra Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày hội tạo thêm khí thế sôi nổi, động viên tinh thần, cổ vũ nhân dân nỗ lực vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid - 19; chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, từng  bước xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện, bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục