Minh họa: Hồng Kiều |
Vừa xong bữa sáng, tôi vội thay quần áo rồi lượn lờ ra ngõ. Chả là hôm nay tôi có hẹn với hai thằng bạn:
- Bọn mình đi chung một xe thôi. Cứ ở nhà tao vào đón, rồi sang đón thằng Kiên sau - thằng Lợi gọi điện cho tôi, giọng hào hứng: -
Tao nhờ thằng em nó lái xe rồi, bọn mình đi chơi, bia rượu vô tư nhá!
Ngày còn nhỏ, chúng tôi ở cùng xóm Ngõi, lại cùng học một lớp. Ngoài giờ học, ba đứa chúng tôi suốt ngày gắn chặt với nhau. Thôi thì đủ mọi trò. Chỉ cần một đứa nghĩ ra trò gì đó là hai đứa kia hưởng ứng ngay.
Đến tận những năm học cấp Ba, cùng học một khối nhưng khác lớp, cả ba chúng tôi vẫn cùng đi học, cùng đợi nhau về sau mỗi buổi tan trường. Một buổi chiều, sau buổi gánh phân cho hợp tác xã, ngồi nghỉ trên bờ mương, thằng Lợi bảo:
- Tao chán đi học lắm rồi. Bỏ học đi bọn mày!
Khác với mọi khi, cả tôi và Kiên đều ngồi im lặng. Ngày ấy, khi học đến cấp Ba, chúng tôi đều mười chín đôi mươi cả. Thậm chí trong lớp có cả những “đứa” hơn đến năm, sáu tuổi. Ở cái xóm xa xôi như xóm Ngõi, số đi học đến cấp Ba chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đám thanh niên tuổi như bọn tôi đều bỏ học cả. Đứa đi bộ đội, đứa làm công nhân, có đứa còn rập rình lấy vợ, làm nhà.
Không biết Kiên nghĩ gì sau câu nói của Lợi. Riêng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ học. Trong đầu tôi chỉ đơn giản một định hướng là học xong cấp Ba rồi tính tiếp. Có đến một phút sau, thằng Kiên mới ề à:
- Tao cũng ngại học lắm, nhưng chả nhẽ bỏ dở thì mất toi công hai năm học.
- Tao nghĩ rồi, - thằng Lợi vừa nói, vừa xòe tay ra trước mặt Kiên: - Có học nữa rồi cũng chả kiếm thêm được bát cơm đâu. Khối kỹ sư, bác sỹ vẫn phải đi phát nương trồng sắn mới đủ ăn kia kìa...
Lợi bỏ học thật. Nó xin đi làm công nhân cho công ty xi - măng của tỉnh. Thế là cả xóm chỉ còn lại tôi với thằng Kiên kẽo kẹt học hết cấp Ba rồi vào Đại học.
Bẵng đi cả chục năm sau, ba thằng chúng tôi mới lại gặp nhau ở một đám cưới. Hóa ra đường đời đưa đẩy chúng tôi vào làm cho
Nhà nước cả. Kiên học đại học nông nghiệp, ra trường đi làm kỹ thuật cho nông trường, còn tôi học sư phạm ra làm giáo viên. Thằng Lợi thì chuyển sang làm nhân viên của Sở Công nghiệp.
- Làm công nhân xi - măng chế độ cao hơn, nhưng khổ lắm! - Sau một lượt nâng chén, Lợi giải thích: - Suốt ngày khuân vác với khói bụi. Sang bên Sở tuy phải ăn ít đi một tý nhưng nhàn nhã, lại có thời gian chạy đi kiếm thêm được.
Thời bao cấp, tiền lương không quan trọng bằng chế độ lương thực, thực phẩm. Những công việc văn phòng hay giáo viên có mức cung cấp lương thực thấp nhất, nên ít người thích làm. Khi buộc phải làm ở những vị trí ấy, ai cũng phải tìm mọi cách xoay xở làm thêm để sinh sống. Những người giỏi giang thì đi buôn, mở quán. Số đông chọn công việc nấu rượu, trồng rau, làm đậu phụ và nuôi lợn. Cũng có không ít người học hành bằng cấp tử tế, nhưng không trụ được, phải bỏ về quê cày cuốc sinh nhai.
- Bọn mày có thích làm nương thì đến chỗ tao, đất còn vô khối! - Kiên trợn mắt hất hàm hỏi tôi và Lợi
- Tao bỏ việc bên xi - măng mà lại đi làm nương thì có mà điên à? - Lợi cười to rồi đáp ngay. Nghiêng đầu về phía tôi và Kiên, nó hạ giọng: - Mỗi tuần tao “chạy” hai chuyến rượu mía là đủ cơm cho vợ con rồi.
- Mày giỏi! - tôi gật gù với thằng Lợi. Cái việc buôn rượu mía tôi có nghe nói lãi nhiều lắm, nhưng đường đi manh mối thế nào thì tôi chịu. Vả lại nó là “buôn lậu”, tôi không có gan.
Quay sang Kiên, tôi bảo nó:
- Chỗ mày xa quá, vợ chồng tao đều đi dạy học, quanh quẩn nấu rượu nuôi lợn cũng hết mẹ nó thời gian rồi…
Những năm sau đó, có lẽ là bận rộn với việc mưu sinh, lại thêm phải thích ứng với cơ chế quản lý mới, ba chúng tôi chả có dịp nào ngồi với nhau. Thi thoảng, tôi có gặp Lợi hoặc Kiên trên đường, cũng chỉ kịp hỏi vài câu gấp gáp, thế rồi lại vội vã lao đi.
Đôi lúc tôi tự hỏi, chả nhẽ những kỷ niệm ngày thơ không có ý nghĩa gì hay sao? Nói rằng chúng tôi đã quên lãng thì có lẽ là không đúng! Giữa những bề bộn xoay xở, thảng hoặc, ký ức về thời niên thiếu vẫn hiện lại trong tôi, rành rọt và sống động. Hình như chúng tôi đã không biết giá trị của những kỷ niệm ấy là gì, nên đã cố tình xua gạt chúng ra khỏi cuộc sống. Tình yêu bạn bè, tình yêu quê hương, làng xóm cũng theo đấy mà nhạt nhòa dần.
Khi kinh tế đất nước đi lên, đời sống gia đình cũng no ấm hơn. Như một thói tự nhiên, khi đã đủ điều kiện để tồn tại, con người lại nghĩ ngay đến những thứ khác. Khi bát cơm, manh áo không còn là nỗi lo thường trực nữa, người ta lại lo về vị thế của mình trong xã hội. Thực ra, ai cũng có ý thức tự khẳng định mình cả. Chỉ có điều, khi mải mê với những giá trị được chọn lựa để kiêu hãnh, đôi khi người ta quên mất những giá trị khác của cuộc đời…
Dẫu chỉ qua những câu hỏi han khi gặp nhau bất chợt, tôi cũng hiểu công ăn việc làm cả ba đứa đều ổn. Vài danh hiệu thi đua, một đôi lần nâng lương sớm…, bọn tôi đều có cả. Thằng Lợi có vẻ giỏi hơn, nó được bổ nhiệm trưởng phòng hành chính tổng hợp của Sở.
Một lần, Kiên rủ tôi đến nhà nó uống rượu:
- Chả có chương trình gì đâu - Kiên vừa cười vừa nói oang oang trong điện thoại: - Lâu rồi bọn mình chưa ngồi với nhau, tao lại vừa kiếm được con cá ngon, rủ bọn mày nhậu cho vui thôi! Mày nhớ vòng qua nhà thằng Lợi gọi nó. Tao điện rồi, nó nói sẽ sắp xếp.
Đến giờ hẹn, tôi phi xe máy vòng qua nhà thằng Lợi. Nhà thằng Lợi to đẹp, tọa lạc giữa khu phố sầm uất nhất. Vừa đến cổng nhà Lợi, tôi thấy Lợi đang lúi húi khép cổng, trên người mặc bộ quần áo thể thao với cái vợt ten-nít khoác trên vai. Vừa nhận ra nhau, tôi hỏi ngay:
- Này, thằng Kiên chưa gọi mày à?
- Nó gọi từ sáng rồi. - Lợi thủng thẳng: - Nhưng thôi, bọn mày vui vẻ đi, tao có chút việc bận.
- Mày bỏ một buổi ten-nít không được à? - Tôi cáu kỉnh: - Lâu lắm bọn mình chưa ngồi với nhau mà?
Bước lại gần tôi, Lợi hạ giọng:
- Em thằng Kiên làm ở chỗ tao, sếp không ưa lắm. Tao đi khề khà với bọn mày không tiện. Mày hiểu chứ?
Tôi chả hiểu gì cả. Nhưng biết là có chèo kéo thêm cũng vô ích, tôi chào Lợi rồi vặn ga xe lao đi.
Bữa ấy không rôm rả như tôi kỳ vọng. Tôi đã không kể cho thằng Kiên những điều Lợi nói về đứa em nó. Tôi đã tự biện minh cho thằng Lợi rồi lại thầm chê trách nó. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn không thể giải thích được, vì sao những chuyện như thế lại có thể xen vào những kỷ niệm thời chăn trâu, trộm quả của chúng tôi…
Ít lâu sau, một buổi tối tôi lướt vào chương trình Thời sự của đài truyền hình tỉnh, thoáng thấy hình thằng Kiên đang phát biểu gì đó rồi lại chuyển sang tin khác. Tôi vội bấm điện thoại cho Kiên:
- Tao vừa thấy mày trên ti - vi. Dạo này đang làm gì đấy?
- À..., tao mới chuyển lên làm cái chân phó sở. Bên đài nó đưa tin về cây ăn quả ấy mà...
- Oa..., lên quan hàng tỉnh lúc nào mà tao chẳng biết? Chúc mừng nhá!
Thế là chỉ còn tôi kẽo kẹt với cái nghiệp giáo viên, hai thằng chúng nó giờ đã thành quan chức cả rồi. Tôi cũng thấy có chút phấn chấn, nhưng rồi lại chạnh lòng nghĩ đến phận mình. “Cái nghề của mình là dạy trẻ, có cạy cục chuyển sang làm cán bộ quản lý thì lại bỏ nghề, hay hớm gì đâu?”. Tôi tặc lưỡi rồi tự thanh minh với mình như thế.
Dù là bất chợt, những lần gặp gỡ giữa chúng tôi cũng ít hẳn đi. Kiên và Lợi ít đi ra ngoài hơn, có đi ra khỏi cơ quan thì lại ngồi trên ô - tô kín mít. Với lại, cái mối liên hệ giữa chúng tôi chỉ là chút kỷ niệm mỏng manh xưa cũ, chả biết chúng nó còn nhớ hay là quên tiệt cả rồi, có khi gặp gỡ lại thêm phiền hà.
Thỉnh thoảng, tôi ghé về thăm anh em ở làng Ngõi, nhớ đến hai thằng bạn, tôi thấy thoáng gợn chút buồn. Nhưng rồi tất cả cũng chỉ đến thế thôi. Có lẽ đời nay nó phải như thế! Cuộc sống đổi thay thật nhiều, bao nhiêu bổn phận mới khoác lên vai, tâm trí đâu mà nghĩ đến những chuyện vô thưởng vô phạt ngày xưa nữa…
Năm tháng cứ thế trôi mải miết, bỗng một hôm Lợi gọi cho tôi:
- Này, nghỉ lễ mùng một tháng Năm, ba thằng mình gặp gỡ nhé. Bao nhiêu năm chưa ngồi với nhau rồi…
Nhớ lại lần hẹn đến nhà Kiên, tôi đã định văng tục với Lợi, nhưng rồi kịp giữ miệng lại:
- Mày lúc nào cũng kêu bận, gặp gỡ thế chó nào được?
- Hê hê… Bây giờ khác rồi. Tao đã gọi cho thằng Kiên, coi như cho tao chuộc lỗi cái lần trước. Mày nhớ qua nhà gọi nó nhá.
- Không, cứ đúng hẹn là đến thôi, tao có phải liên lạc viên của mày đâu?
Nói thì nói vậy, nhưng đến hôm ấy, trước khi đi đến chỗ hẹn, tôi vẫn điện gọi cho Kiên:
- Ơ..., ah..., mày đi đi, tao lại bận mất rồi, để dịp khác nhá! - Kiên ầm ừ trả lời tôi.
- Mày lại để bụng cái lần trước chứ gì? - tôi quát vào điện thoại: - Thằng Lợi đã nhận lỗi rồi cơ mà?
- Nói thật với mày… - Kiên hạ giọng: - Nó có đứa em vợ làm ở chỗ tao, mất lòng với các sếp lắm. Đi ngồi khề khà với anh nó không tiện, mày hiểu không?
Tôi đã định nói ngay: “Lần trước, khi mày chưa làm sếp, thằng Lợi cũng nói với tao như thế”. Nhưng rồi tôi lại tần ngần rồi bấm cúp nguồn điện thoại. Bởi cũng như lần trước, tôi không hiểu và thêm nghi ngờ cái lý do hai thằng bạn đưa ra. Chẳng lẽ chúng có hiềm khích gì liên quan đến người nhà, hay là chúng xung đột về cái gì đấy rồi nại ra cái lý do như thế?...
Thế là đã hơn hai chục năm kể từ ngày gặp nhau ở đám cưới, chúng tôi đều đã lần lượt về hưu cả. Dù cùng ở trong cái thị xã chưa đến năm chục cây số vuông, nhưng cái “tổ tam tam” thời trẻ trâu chúng tôi chưa được một lần gặp nhau đầy đủ. Cũng đã vài lần tôi định rủ rê Kiên và Lợi đến nhà bù khú, nhưng nghĩ đến cái lý do qua lại giữa chúng, tôi đành ngậm ngùi mà gạt đi.
Cách đây mấy hôm, thằng Kiên điện cho tôi:
- Thứ Bảy này về làng Ngõi chơi nhá? Tao với thằng Lợi quyết rồi, bảy giờ xuất phát…
Nghe thấy câu “về làng Ngõi”, lại có cả hai thằng ấy cùng đi, tâm trí tôi như rộn lên.
Đã cả năm nay tôi chưa về làng cũ. Những lần đi về làng quê, tôi đều đi một mình hoặc chỉ đưa vợ con theo. Mỗi mô đá, lùm tre xưa cũ đều gợi lại thật nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng gắn bóng dáng của cả ba đứa. Rồi nghĩ đến mấy cuộc hẹn không thành, tôi lại thấy buồn chua chát. Tôi thầm trách cái sự xô bồ của cuộc đời, lại thoáng giận Lợi và Kiên. Chả biết tại sao chúng lại có thể rẻ rúng tình thân ái ngày xưa đến vậy?
Vừa nghe Kiên nói xong, tôi xẵng giọng trả lời ngay:
- Các ông quyết thì các ông đi thôi, tôi chả dám hẹn hò với các ông đâu, chán lắm rồi!
- Này…, - thằng Kiên cười hềnh hệch rồi quát vào điện thoại: - Lên lão rồi đấy nhá. Không trẻ trung gì nữa đâu mà giận với chả dỗi. Dứt khoát phải đủ ba thằng mới đi! Lát nữa thằng Lợi nó gọi lại đấy.
Lợi gọi điện cho tôi ngay sau đó. Chả còn tâm trí để mà đủng đỉnh tự ái nữa, tôi hồ hởi nhận lời ngay. Phải mất đến nửa ngày tôi loanh quanh chuẩn bị cho chuyến đi. Đầu tiên là máy ảnh, phải chụp thật nhiều, bù lại ngày xưa chả có tấm ảnh nào. Mấy vần “thơ con cóc” tôi tự viết, phải đọc để bọn nó vỗ tay cho nó sướng. Chai rượu nữa, cái chai rượu cất từ lâu, lần này phải mở ra uống hết…
Tám giờ sáng, chúng tôi đã về đến làng Ngõi. Để xe ở quán ăn của em họ thằng Kiên, ba “đứa” lang thang đi bộ khắp làng. Cứ một “đứa” nhắc đến chỗ nào là chúng tôi kéo nhau đến đó. Cảnh vật chỗ còn, chỗ đã đổi thay nhiều. Trên đường làng, thỉnh thoảng lại gặp một đám trẻ con đạp xe, rồng rắn chơi đùa. Chả biết chúng là con cháu nhà ai, nhưng nghe chúng ríu rít “chào bác, chào ông…”, tôi thấy ấm áp và thân thiết lắm…
Mãi đến khi em thằng Lợi gọi điện bảo đã dọn cỗ lên rồi, mấy vị khách mời cũng đã đến, chúng tôi còn nhùng nhằng chụp ảnh chỗ này chỗ kia một hồi rồi mới quay lại.
Khỏi phải nói đến sự rôm rả, ồn ã của bữa nhậu như là lịch sử ấy. Tôi quên cả việc dò hỏi sự thật của việc hai thằng bỏ hẹn những lần trước. Mãi đến khi tụm lại bên bàn trà, tôi mới gặng hỏi cả Kiên và Lợi:
- Mấy lần trước, bọn mày có gì khục khoặc à?
Lập tức hai thằng đều cười phá lên. Thằng Lợi xua tay rồi lên giọng oang oang:
- Chả có gì đâu. Ở cái chỗ tao nó phải như thế thôi!
Thằng Kiên thì vỗ vai tôi một cái rõ mạnh rồi trợn mắt:
- Nếu khục khoặc thì bọn tao đã đấm nhau rồi. Mày cứ ngồi vào chỗ của bọn tao thì sẽ hiểu ngay thôi…
Thế là gặng hỏi cũng bằng thừa! Xưa kia đã không ngồi làm sếp như chúng, giờ về hưu rồi, nó lại nói thế thì là đánh đố tôi à? Tôi đã định quát lên như thế. Nhưng nhìn vẻ mặt khoái trá của hai đứa, tôi đành cười hì hì với chúng. Tôi hiểu là tôi không thể hiểu, và cũng chả cần hiểu chuyện ấy làm gì nữa.
Gửi phản hồi
In bài viết