Vì tương lai xanh

- Trong 2 năm liên tiếp, 2020 và 2021, Tỉnh ủy Tuyên Quang lựa chọn phong trào Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa và môi trường xanh - sạch - đẹp là một trong những nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chung tay xử lý rác thải nhựa đã không dừng lại ở những khẩu hiệu chung chung, những buổi tập huấn, phát động mà đã có những chuyển biến tích cực. Những cách làm mới, hiệu quả được phổ biến, nhân rộng đã hạn chế phần nào tác hại của rác thải nhựa ngoài môi trường.

Hướng mạnh về cơ sở

Xã Thổ Bình (Lâm Bình) từng “đau đầu” với việc thu gom, xử lý rác thải. Nằm dọc tuyến đường ĐT 188, rác thải của người dân tập kết hầu hết ven đường ảnh hưởng lớn đến mỹ quan, môi trường. Từ khi đăng ký về đích nông thôn mới năm 2021, xã đã xây dựng được một điểm tập kết rác thải và xây dựng một lò đốt rác tại khu vực thôn Vằng Áng, nhưng không ai đứng ra thu gom, vận chuyển cả.

Thấy vậy, anh Đặng Văn Lâm, thôn Nà Cọn quyết định cải tạo lại chiếc xe mà gia đình vẫn để chở cỏ cho trang trại chăn nuôi trâu của gia đình để thu gom, vận chuyển rác miễn phí cho bà con trong thôn và một số thôn lân cận. Mới đầu, bà con ai cũng cười, bảo anh lo chuyện bao đồng. Anh Lâm bảo, tính mình vốn thấy cái gì chướng quá, cũng cảm thấy không ở yên được. Đều đặn thứ 2, thứ 4, thứ 6, sau khi xong việc ở trang trại, anh Lâm đánh xe chạy dọc thôn thu gom rác thải cho bà con. Để thuận hơn cho công việc của mình, anh dành thời gian, hướng dẫn bà con cách phân loại rác ngay tại gia đình. Rác thải có thể phân hủy được, từ kinh nghiệm chăn nuôi của bản thân, anh hướng dẫn người dân làm phân chuồng. Chai lọ còn nguyên vẹn thì rửa sạch, tận dụng lại để tái chế. Còn lại anh thu gom đến lò đốt rác để xử lý. Qua mỗi ngày, thấy khu nhà ở của mình sạch đẹp hơn, đường phố mình ở không còn cảnh “phấp phới” túi ni lông, rác thải không còn dồn ứ “cha chung không ai khóc”, bà con không ai bảo ai, nhà đóng 10 nghìn đồng, nhà 20 nghìn đồng một tháng hỗ trợ anh tiền xăng xe, công dọn dẹp, thu gom.  

Tỉnh đoàn Tuyên Quang tổ chức đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập tại huyện Hàm Yên. Ảnh: Thu Trang

Anh Lâm khoe, giờ thì ngoài khu dân cư Nà Cọn, anh trực tiếp thu gom, xử lý rác thải cho 6/8 thôn dọc tuyến đường ĐT 188. Thổ Bình, từ một “điểm nóng” về thu gom, xử lý rác thải, giờ đã sạch đẹp hơn rất nhiều và sẵn sàng với lộ trình về đích nông thôn mới trong năm nay.

Không chỉ ở Thổ Bình, từ khi phong trào chung tay phòng chống rác thải nhựa tập trung hướng mạnh về cơ sở, đã có nhiều điển hình trong hoạt động này. Đặc biệt, mỗi địa phương, đơn vị lại có một cách làm sáng tạo để lan tỏa đến người dân.

Hội Phụ nữ xã Hoàng Khai (Yên Sơn) là một điển hình. Đồng chí Phương Huyền Sâm, Chủ tịch Hội LHPN xã chia sẻ, Hoàng Khai là một trong những xã đầu tiên về đích nông thôn mới, việc thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn đã cơ bản đi vào nền nếp. Tuy nhiên, rác thải nhựa lại là câu chuyện khác. Thói quen sử dụng đồ dùng bằng nhựa vẫn còn, thêm vào đó rác thải nhựa không được thu gom, xử lý triệt để vừa ảnh hưởng đến môi trường sống, vừa gây lãng phí. Hội LHPN xã đã lồng ghép, gắn việc thực hiện mô hình thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa với thực hiện Nghị quyết 73-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo đó, mỗi chi hội sẽ thu gom rác thải nhựa có thể tái chế 3 - 4 lần trong một năm để bán, gây quỹ, số tiền này để dành giúp đỡ phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật… trên địa bàn xã. Theo bà Sâm, chỉ sau gần 1 năm phát động, các chi hội đã gây quỹ trên 15 triệu đồng giúp cho 16 hội viên nghèo, 11 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, điển hìn như chi hội K331, Chè Đen 2, Nghiêm Sơn, Yên Khánh, Tân Quang, Chè Đen 1, Yên Mỹ 1, Yên Thái…

Nhiều mô hình xử lý rác thải và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh hoạt động nền nếp, dần phát huy được hiệu quả thiết thực tại khu dân cư, như mô hình tại thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm (Lâm Bình); Tổ dân phố 6, thị trấn Na Hang; Thôn Trung Tâm, Thôn Hòa Đa, xã Phúc Thịnh; Thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên; Thôn Khuôn Nhất, xã Nhân Lý; Thôn Hùng Dũng, xã Hùng Mỹ; Thôn Quang Minh, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa); Thôn 1 Thống Nhất, Thôn 2 Thống Nhất, xã Yên Phú; Thôn 10, xã Yên Lâm; Thôn Thị, xã Hùng Đức (Hàm Yên); Thôn 7, xã Thái Bình; Tổ dân phố Yên Thắng, thị trấn Yên Sơn; Thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn); Thôn Tân Tiến, xã Ninh Lai; Thôn Thia, xã Tân Trào; Khu dân cư Cơ quan, thị trấn Sơn Dương; Khu dân cư tổ 4, phường An Tường; Tổ 10, phường Minh Xuân; Chi hội Phụ nữ Xóm 1, xã Tràng Đà (thành phố Tuyên Quang)...

Ra mắt mô hình “Thùng rác gia đình” tổ dân phố Tân Phúc, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương).   Ảnh: Minh Thủy

Trên địa bàn tỉnh, người dân đã xây dựng được 4.533 bể, hố ủ rác hữu cơ, 2.886 lò, hố đốt rác tại hộ gia đình, khu dân cư, từ đó phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong công tác bảo vệ môi trường và thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”.

Vì quê hương sáng - sạch - xanh

Đồng chí Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết, nhận thức phong trào Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa không phải là phong trào có thể về đích trong một sớm một chiều, các địa phương đã tuyên truyền đến cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các tầng lớp Nhân dân về tác hại của rác thải và chất thải nhựa trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt đối với môi trường, sự ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đối với đời sống con người bằng nhiều hình thức đa dạng. Từ thông tin qua các cuộc sinh hoạt đoàn thể, họp Nhân dân, hệ thống truyền thanh cơ sở, các lớp tập huấn, hội nghị, hội thi, trên các trang Thông tin điện tử của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook… mục tiêu trước tiên là tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự quản, tự giác của mỗi người dân, hộ gia đình trong việc phân loại rác, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường ngay tại nơi mình sinh sống.

Sản phẩm mây tre đan của huyện Lâm Bình được khách hàng ưa chuộng tại Hội chợ Thương mại - Du lịch
tỉnh Tuyên Quang năm 2020.  Ảnh: Cảnh Trực

Từ tuyên truyền, vận động, các hoạt động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn được hình thành. Như định kỳ hàng tuần, tháng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng hoa và cây xanh ở các tuyến đường để tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp ở các khu dân cư; xây dựng bể ủ rác hữu cơ để thực hiện thu gom, xử lý rác thải tại hộ gia đình; tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ sử dụng làn mây khi đi chợ, tận dụng chai lọ nhựa trồng hoa treo tường, thu gom phân loại chai, lọ nhựa bán gây quỹ; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại đồng ruộng, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tái chế từ rác thải nhựa để trồng hoa, cây cảnh tại các hộ gia đình và tại nhà văn hóa thôn; thu gom phế liệu nhựa bán tạo nguồn quỹ để giúp đỡ những người nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn...

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Tài nguyên và Môi trường, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 377 tấn/ngày. Trong đó, khoảng 90% lượng rác thải đô thị và 30% lượng rác thải sinh hoạt nông thôn được thu gom. Thói quen sử dụng túi ni lông và đồ nhựa sử dụng một lần còn phổ biến trong Nhân dân.

Hiện nay, hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh do 11 tổ chức, cá nhân thực hiện, chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đang được xử lý tại 13 điểm, khối lượng thu gom, xử lý tập trung được 195,3 tấn/ngày. Tại khu vực đô thị, người dân thực hiện tập kết rác thải tại các điểm tập kết ven các trục đường, khu trung tâm, hằng ngày công nhân vệ sinh đi thu gom bằng xe đẩy tay và tập kết lên xe chuyên dụng vận chuyển rác thải về nơi xử lý; tại khu vực nông thôn, việc thu gom mới tập trung chủ yếu ở các khu vực ven đô thị và gần các khu vực trung tâm xã; các địa phương hầu như chưa có nơi thu gom, tập kết, xử lý rác tập trung.

Trong Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 22-10-2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh, mục tiêu của tỉnh là đến năm 2022 các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cửa hàng, chợ, siêu thị, khu du lịch trên địa bàn tỉnh không sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần; tổ chức và thực hiện các biện pháp kỹ thuật để thu gom, xử lý chất thải nhựa trên các sông, suối và ao, hồ, trong khu đô thị, khu dân cư; xã hội hóa các hoạt động thu gom, xử lý chất thải nhựa. Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào là điểm đến của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Nhiều năm qua, Ban Quản lý Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào đã triển khai nhiều hoạt động giữ gìn môi trường du lịch xanh, trong đó trọng tâm là kêu gọi du khách không dùng đồ nhựa một lần. Tại các điểm di tích, Ban đã bố trí thùng rác di động để Chi nhánh Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang tại Sơn Dương thu gom theo quy định. Ban Quản lý cũng tuyên truyền để các hộ bán hàng dịch vụ trong khu du lịch dần thay thế túi ni lông, cốc nhựa sử dụng 1 lần, ống hút nhựa bằng những vật liệu thân thiện với môi trường. Tại đình Tân Trào, đình Hồng Thái, đơn vị bố trí bình đựng nước sử dụng nhiều lần, cốc đựng nước bằng thủy tinh để khách du lịch hạn chế sử dụng chai nước vỏ nhựa mang theo. 

Hiện,  Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 đến năm 2025” nhằm xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình thực hiện giảm thiểu, xử lý rác thải sinh hoạt và chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh. 

Nỗ lực của các ngành, địa phương nhằm đảm bảo một tương lai xanh cho thế hệ sau!

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục