Ở Việt Nam văn hóa dân tộc được hun đúc hàng nghìn năm, tiếp nối truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia. Nói đến văn hóa Việt Nam hạt nhân chính là văn hóa làng xã với “cây đa giếng nước sân đình” gắn kết với nhau bằng các dòng họ. Chính văn hóa dòng họ liên kết bằng huyết thống đã giúp Việt Nam trước kia có thời kỳ mất nước chứ không bao giờ mất làng. Cái này làm nên hồn cốt của văn hóa Việt Nam. Thời kỳ kháng chiến, Đảng xác định “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Nay thời kỳ đổi mới và hội nhập sâu rộng, Đảng đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, đây là trụ cột phát triển bền vững của một đất nước.
Một tiết mục văn nghệ tại Lễ khai mạc năm Du lịch Tuyên Quang 2022 giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Năm 2008 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 19-4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam theo tinh thần “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong những cuộc làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí lãng đạo Đảng, Nhà nước luôn nhấn mạnh “Tuyên Quang phải giữ gìn được truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa dân tộc”. Đây là hai định hướng lớn, xuyên suốt, có tính nhất quán trong phát triển của tỉnh. Dù có phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng nông thôn mới, song vấn đề bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được tỉnh hết sức coi trọng, làm một cách nghiêm túc, thực chất.
Tuyên Quang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số với 22 dân tộc anh em cùng chung sống. Dân tộc Kinh chỉ chiếm 44% dân số toàn tỉnh, còn 56% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, dân tộc Tày, Dao, Cao Lan, Sán Dìu, Mông, Nùng là những dân tộc chủ yếu, chủ nhân xa xưa của vùng đất này. Các dân tộc trên địa bàn tỉnh đều được đối xử dân chủ, bình đẳng, những dân tộc ít người sống ở địa bàn khó khăn còn được hỗ trợ tích cực từ chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh. Để bảo tồn bản sắc, Tuyên Quang có chính sách giữ rừng tốt với độ che phủ lên tới trên 65% diện tích đất tự nhiên, trong đó có nhiều khu rừng nguyên sinh. Hiện nay 3 khu di tích quốc gia đặc biệt đều gắn với quần thể rừng nguyên sinh với phong cảnh đẹp, hoang sơ, độ đa dạng sinh học cao là Tân Trào (Sơn Dương), Kim Bình (Chiêm Hóa) và Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình.
Tỉnh phục hồi Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn để phát triển du lịch.
Song song với giữ rừng, tỉnh bảo tồn, tôn tạo hơn 600 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Xây dựng, quy hoạch các làng văn hóa dân tộc, như Làng Văn hóa du lịch Tân Lập của đồng bào Tày, xã Tân Trào (Sơn Dương), Làng Văn hóa du lịch Khau Tràng của đồng bào Dao Tiền, xã Hồng Thái (Na Hang), Làng Văn hóa du lịch Nà Tông của đồng bào Tày, xã Thượng Lâm, Làng Văn hóa du lịch Khuổi Trang, Khuổi Củng của đồng bào Mông, xã Xuân Lập (Lâm Bình), Làng Văn hóa du lịch Giếng Tanh của đồng bào Cao Lan, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang). Tỉnh phục hồi nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày, Lễ hội nhảy lửa người Pà Thẻn, Lễ hội đua thuyền trên sông Lô của người Kinh, lễ hội đình làng Giếng Tanh của dân tộc Cao Lan. Tỉnh có Nghi lễ Then và Lễ hội Lồng tông của người Tày; nghi lễ Cấp sắc và hát Páo dung của người Dao; kéo co truyền thống; hát Sình ca của người Cao Lan; hát Soọng cô của người Sán Dìu; lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La của thành phố Tuyên Quang; Lễ hội đình Thọ Vực (Sơn Dương), Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cần được bảo tồn.
Phụ nữ thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang) giữ gìn trang phục truyền thống. Ảnh: Cảnh Trực
Ở các địa phương trong tỉnh, kiến trúc nhà ở, tiếng nói, trang phục, ẩm thực, nhạc cụ, phong tập, tập quán, cảnh quan thiên nhiên của từng dân tộc được giữ gìn. Nhiều câu lạc bộ văn nghệ, thể thao, bảo tồn văn hóa ra đời. Mấy năm gần đây, Tuyên Quang xác định phát triển du lịch là một trong 3 lĩnh vực đột phá, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Chính những chính sách bảo tồn, tôn vinh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã góp phần làm du lịch xứ Tuyên có nét riêng, ngày càng hấp dẫn du khách gần xa.
Gửi phản hồi
In bài viết