Chỉ cần có đam mê
Em Hoàng Thị Như Quỳnh, lớp 4A, Trường Tiểu học Khuôn Hà nhận được một nắm vẽ, một tập giấy A3 do cô giáo Vũ Thị Ngọc Tuyết, Tổng Phụ trách Đội của nhà trường tặng liền cặm cụi vẽ một mạch, gần như chẳng ngẩng mặt lên lúc nào để trò chuyện. Em say mê tô vẽ từng nét vẽ trên bức tranh mang tên “Chú bộ đội”. Em bảo, trước đây khi mới vẽ, mới tham gia Câu lạc bộ Mỹ thuật Hà Lâm do cô giáo Tuyết thành lập, em cũng như nhiều bạn khác vẽ được vài nét lại dừng lại hỏi cô xem vẽ như vậy đã đạt chưa. Cô Tuyết bảo: “Các con cứ vẽ đi, đừng sợ mình vẽ xấu, đừng ngại vẽ ra những ước mơ của mình”. Từ đó Quỳnh không còn ngại vẽ liền một mạch mỗi khi cô giao chủ đề. Đối với em, mỗi khi hoàn thành tác phẩm vẽ là một niềm vui lớn. Quỳnh bảo, từ khi gia nhập Câu lạc bộ Hà Lâm, em nghĩ gì cũng có thể vẽ được. Em có thể vẽ theo nhóm hoặc ngồi một mình với nắm vẽ để sáng tạo. Phần quà nhận được khi em đoạt giải thưởng cuộc thi vẽ tranh của nhà trường đôi khi chỉ là chiếc khăn quàng đỏ nhưng đối với em đó thực sự là một trải nghiệm thú vị.
Các em thiếu nhi trong Câu lạc bộ Mỹ thuật Hà Lâm trang trí điểm Trường Tiểu học Nà Muông.
Cô giáo Vũ Thị Ngọc Tuyết, vừa là Tổng Phụ trách Đội vừa là giáo viên Mỹ thuật của nhà trường cho biết, mỗi tiết học vẽ chính khóa ở trên lớp, các em chỉ được vẽ từ 30 đến 45 phút. Thời gian đó không đủ để các em thoải mái vẽ ra những điều mình muốn. Xuất phát từ điều đó và cũng là giáo viên chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật, cô Tuyết đã thành lập Câu lạc bộ Mỹ thuật Hà Lâm. Câu lạc bộ không chỉ là không gian, ngôi nhà tập hợp các em nhỏ có niềm đam mê vẽ tranh ở xã Khuôn Hà mà còn cả ở xã Thượng Lâm. Bởi vậy, câu lạc bộ lấy tên như vậy. Cô Tuyết trực tiếp tham gia vẽ và dạy vẽ miễn phí cho các em trên nhiều chất liệu như lá cây, giấy, đá cuội, đồ dùng phế thải và cả trên chất liệu khó như acrylic.
“Chẳng cần có năng khiếu, chỉ cần có niềm đam mê là có thể làm được”. Với phương châm này, cô Tuyết đã tập hợp khá đông đảo các em thiếu nhi ở hai xã Khuôn Hà, Thượng Lâm tham gia câu lạc bộ. Hiện nay, Câu lạc bộ đang có khoảng 70 em ở cả hai cấp Tiểu học và THCS của Khuôn Hà, Thượng Lâm tham gia.
Năm 2021, em Phùng Hải Anh, học sinh lớp 9, Trường THCS và THPT Khuôn Hà, thành viên của câu lạc bộ đoạt giải Nhất trong nước Cuộc thi vẽ tranh về Bảo vệ rừng do Tổ chức Nghiên cứu nguyên nhân công cộng (PCRF) phát động. Tác phẩm của em được giải Khuyến khích khi Tổ chức này mang đi dự thi quốc tế. Hải Anh có thể rong ruổi cùng các bạn vẽ, cô Tuyết trong câu lạc bộ đi thực tế để sáng tác. Những chuyến đi trải nghiệm để vẽ dù chỉ quanh ở Lâm Bình nhưng cảnh thiên nhiên và con người chính nơi Hải Anh sinh ra là nguồn cảm hứng để Hải Anh sáng tác những tác phẩm để đời của mình. “Chỉ cần có đam mê, chỉ cần chúng ta thích vẽ thì chắc chắn sẽ thành công”. Đó là cảm hứng về hội họa mà cô Tuyết đã truyền cho các em thiếu nhi ở vùng cao Lâm Bình.
Cô giáo Vũ Thị Ngọc Tuyết, Tổng Phụ trách Đội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Hà Lâm cùng các em thiếu nhi vẽ tranh.
Mang bản sắc quê mình đi xa
Đối với những “họa sỹ nhí” khi tham gia Câu lạc bộ Mỹ thuật Hà Lâm, vẽ không chỉ để thỏa niềm đam mê mà các em còn ước mơ đưa những tác phẩm của mình đi xa, đưa hình ảnh mảnh đất và con người Lâm Bình đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Bởi vậy các em đã tích cực tham gia và giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi vẽ tranh trong nước và cuộc thi vẽ tranh do Tập đoàn Kao và Tổ chức PCRF tổ chức. Từ năm 2017 đến năm 2021, câu lạc bộ đã giành được 3 giải C Cuộc thi vẽ tranh toàn quốc về chủ đề an toàn giao thông, bảo vệ môi trường; giành 14 giải Cuộc thi vẽ về bảo vệ môi trường do Tập đoàn Kao và Tổ chức PCRF tổ chức. Trong đó có 1 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi vẽ tranh quốc tế do Tổ chức PCRF tổ chức. Giúp các em có nhiều cơ hội để vẽ, trải nghiệm thực tế, hàng năm, cô Tuyết tổ chức tại nhà trường từ 3 đến 4 cuộc triển lãm tranh ngoài trời. Cô hướng dẫn các em tự hoàn thiện bức tranh, viết tên mình lên tranh và tự treo, tự dán. Tuy tận dụng những bức tường rộng trong sân trường để làm nơi trưng bày tranh vẽ song đây là dịp để các em sớm được trải nghiệm cảm xúc thế nào là một cuộc triển lãm tranh. Không chỉ có vậy, cô Tuyết thường tổ chức cho các thành viên trong câu lạc bộ đến một số những địa điểm có cảnh đẹp của Lâm Bình để vẽ. Có khi là buổi sáng sớm để vẽ về mây trời, có khi là những buổi chiều, khi hoàng hôn sắp xuống núi là cả cô và trò lại lên đường.
Em Phùng Vũ Hải Linh, học sinh lớp 8, Trường THCS và THPT Thượng Lâm khoe với tôi bức ảnh, em đang ngồi trên một cánh đồng lúa vừa gặt xong và say sưa vẽ. Linh ước mơ lớn lên sẽ trở thành một họa sỹ. Từ năm 2018, em đã có giải Ba Cuộc thi vẽ tranh toàn quốc về chủ đề bảo vệ môi trường. Những bức tranh Linh vẽ chủ yếu là những lần đi thực tế cùng các bạn trong câu lạc bộ. Tranh của em mang nhiều gam màu nóng, rực rỡ. Linh chia sẻ: “Gam màu nóng nói lên sự mạnh mẽ. Em mong mình sẽ luôn có đủ mạnh mẽ để chinh phục giấc mơ của mình”.
Một cuộc triển lãm tranh đường phố và vẽ tại đường phố của các em thiếu nhi trong Câu lạc bộ Mỹ thuật Hà Lâm.
Không chỉ vẽ trên giấy vẽ thông thường, những “họa sỹ nhí” trong câu lạc bộ còn vẽ và trang trí được trên các vật dụng như ghế đá, bức tường, vật liệu phế thải. Từ một chiếc ống nhựa dùng để cuốn vải, các em tận dụng để trang trí và biến nó trở thành một chiếc bình hoa xinh xắn. Đến nay, nhiều tác phẩm của các em như tranh vẽ, bình hoa trang trí được trưng bày tại một số homestay, gian hàng giới thiệu sản phẩm của huyện. Đặc biệt, trong Tuần Văn hóa - Du lịch huyện năm 2022 vừa qua, Câu lạc bộ đã tổ chức được một cuộc triển lãm tranh của các em thiếu nhi ngay tại đường phố và trưng bày tại gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch của huyện. Hoạt động này đã thu hút sự chú ý của nhiều du khách. Anh Vũ Kiên Cường, quận Long Biên (Hà Nội) khi đến với Lâm Bình rất ngạc nhiên và hứng thú với những sản phẩm được vẽ và trang trí bắt mắt của các em thiếu nhi nơi đây. Anh chia sẻ: “Những bức vẽ và các sản phẩm được các em trang trí quảng bá về Lâm Bình thực sự níu chân du khách”.
Chỉ với một toan vẽ hay một vài tờ giấy, hộp màu và niềm đam mê, nhiều em thiếu nhi ở huyện vùng cao còn khó khăn như Lâm Bình đã có thể vẽ. Từ mỹ thuật, các em đã góp phần quảng bá hình ảnh về con người và mảnh đất quê hương đi xa và không ngại ngần vẽ lên suy nghĩ, ước mơ của chính mình.
Gửi phản hồi
In bài viết