Cuộc Tổng điều tra kinh tế 2021 nhằm đánh giá sự phát triển, quy mô lao động, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tình hình ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ sở kinh tế; đánh giá cơ cấu, số lượng cơ sở cũng như lao động của các cơ sở kinh tế, của từng địa phương, từng ngành kinh tế, từng hình thức sở hữu, đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành địa phương. Cuộc Tổng điều tra nhằm tính toán các chỉ tiêu thống kê chính thức như chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước GDP và tổng sản phẩm (GRDP) của mỗi địa phương. Trên cơ sở đó, cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu để chuyển đổi năm gốc - năm 2020 phục vụ cho việc tính toán các chỉ tiêu thống kê về kinh tế - xã hội trong thời kỳ 2021 - 2026.
Giám sát viên cấp tỉnh kiểm tra phiếu điều tra điện tử Cuộc Tổng điều tra kinh tế 2021.
Cuộc điều tra này có điểm khác biệt và mới so với các kỳ điều tra trước. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra chỉ điều tra các cơ sở kinh tế, còn các cơ sở hành chính là do ngành Nội vụ tiến hành. Các cuộc điều tra tiến hành cùng thời điểm và kết quả điều tra sẽ được tích hợp và cùng công bố. Điểm mới của cuộc Tổng điều tra là tiếp cận đơn vị cơ sở theo chuẩn quốc tế, có nghĩa là điều tra các cơ sở kinh tế đến từng địa bàn quản lý thấp nhất, đó là cấp xã để đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời, cho hệ thống tài khoản quốc gia tính toán các chỉ tiêu vĩ mô đến cấp địa phương. Tổng điều tra kinh tế năm 2021 sử dụng cơ sở dữ liệu quản lý thuế của ngành Tài chính và cơ sở quản lý đăng ký kinh doanh của ngành Kế hoạch và Đầu tư làm danh sách nền phục vụ cho tổng điều tra. Cuộc Tổng điều tra lần này cũng tận dụng triệt để công nghệ thông tin từ khâu chuẩn bị, thu thập, xử lý và công bố kết quả để tiết kiệm nguồn lực con người, tài chính và rút ngắn thời gian công bố kết quả tổng điều tra.
Ông Phạm Hùng Sơn, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo thường trực cuộc Tổng điều tra cho biết, với tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra, ngay từ năm 2020, Cục Thống kê tỉnh đã triển khai kế hoạch lựa chọn điều tra viên và tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra. Trên cơ sở đó, cục cũng phối hợp với các huyện, thành phố tuyên truyền rộng rãi đến các thành phần kinh tế trên toàn địa bàn đồng thời rà soát, lập danh sách đối tượng điều tra.
Ông Phạm Hùng Sơn cho biết, qua rà soát, toàn tỉnh có trên 2.000 cơ sở kinh tế nằm trong diện phải điều tra kỳ này, trong đó thành phố Tuyên Quang nhiều nhất với 1.700 cơ sở. Để có kết quả điều tra chính xác, rất cần sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các thành phần kinh tế trong việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của phiếu điều tra. Thực tế tại những kỳ điều tra trước tình trạng các cơ sở kinh tế, doanh nghiệp không thông tin về lao động, ngành nghề sản xuất kinh doanh; lợi nhuận... đã gây nhiều khó khăn cho công tác thu thập thông tin, ảnh hưởng đến quá trình tính toán, xây dựng các chỉ tiêu phát triển kinh tế của tỉnh.
Từ nay đến 30-5 sẽ tiến hành thu thập thông tin các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khối doanh nghiệp; các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài; từ ngày 1-7 đến ngày 30-7, tiến hành thu thập thông tin về các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp, thủy sản...
Hiện tại các huyện, thành phố đã ra quân thực hiện điều tra, các thông tin cơ bản về doanh nghiệp, địa chỉ, chủ cơ sở, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp... đã được các doanh nghiệp kê khai đầy đủ theo phiếu điều tra. Kết quả sơ bộ của cuộc Tổng điều tra sẽ được công bố vào tháng 12-2021, kết quả chính thức được công bố vào quý II-2022. Hiện nay, Cục Thống kê tỉnh đã tiến hành gửi phiếu điều tra đến đối tượng điều tra; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ điều tra điện tử cho các điều tra viên, bảo đảm cuộc điều tra diễn ra hiệu quả, chính xác.
Gửi phản hồi
In bài viết