Tích trữ vắc xin ngừa Covid-19 sẽ gây tình trạng bất bình đẳng vắc xin ở các quốc gia nghèo.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus và giới chức của WHO thường xuyên chỉ trích các quốc gia giàu có về việc tích trữ vắc xin ngừa Covid-19 trong khi các quốc gia có thu nhập thấp hơn không có đủ liều để tiêm phòng cho người cao tuổi, nhân viên y tế tuyến đầu và các nhóm nguy cơ cao khác.
Vào tháng 8, Tiến sĩ Tedros đã kêu gọi các nước nên dừng tiêm các liều vắc xin tăng cường cho đến cuối năm nay. Tuy nhiên, các quốc gia bao gồm Đức, Israel, Canada và Mỹ đã đi trước trong các chương trình này.
Trong một email, WHO cho biết, 92 quốc gia đã xác nhận các chương trình cung cấp liều vắc xin bổ sung và không có quốc gia nào trong số họ có thu nhập thấp.
Khoảng 28,5 triệu liều vắc xin Covid-19 được tiêm hằng ngày trên khắp thế giới. Theo WHO, khoảng 1/4 trong số đó là liều tăng cường hoặc bổ sung. Các quan chức của WHO đã so sánh ít nhất có 6,9 triệu liều bổ sung được tiêm hằng ngày trên toàn cầu với 1,1 triệu liều chính được tiêm ở các nước thu nhập thấp.
Theo điều tra của Tổ chức Our World in Data tại Đại học Oxford (Anh), chỉ có 4,5% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin ngừa Covid-19. Mỹ gần đây đã cho phép tiêm nhắc lại cho một số người tiêm vắc xin của Pfizer-BioNTech và Moderna và tất cả những người đã sử dụng vắc xin của Johnson & Johnson.
Tiến sĩ Tedros cũng cảnh báo rằng, tiêm vắc xin không là chưa đủ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. "Covid-19 đang tăng mạnh ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn ở Đông Âu, nhưng cũng ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới ở Tây Âu. Đó là một lời nhắc nhở rằng vắc xin không thay thế sự cần thiết của các biện pháp phòng ngừa khác", ông Tedros nhận định.
Theo người đứng đầu WHO, mọi quốc gia nên điều chỉnh phản ứng của mình cho phù hợp với tình hình, nhưng cũng nên sử dụng các biện pháp như giữ khoảng cách và đeo khẩu trang để giúp hạn chế lây lan Covid-19 và giảm áp lực lên hệ thống y tế.
Gửi phản hồi
In bài viết