Những ngày qua, căng thẳng giữa Israel và Palestine tái diễn nghiêm trọng. Riêng trong ngày 27/1, Israel đã tiến hành nhiều cuộc không kích vào Dải Gaza (ảnh). (Nguồn: AFP/TTXVN)
Phát biểu tại cuộc họp cùng ngày của Liên đoàn Arab (AL) ở Cairo, với sự tham dự của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và Quốc vương Jordan Abdullah II, người đứng đầu PA kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ người dân Palestine và chấm dứt sự chiếm đóng cũng như những hành động đơn phương của Israel.
Tổng thống Abbas nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tới Liên hợp quốc và các cơ quan khác nhau của tổ chức này, trong đó có Hội đồng Bảo an, để phản đối những hành động vi phạm của Israel đối với mọi lằn ranh đỏ… Chúng tôi sẽ yêu cầu thông qua nghị quyết bảo vệ giải pháp 2 nhà nước bằng cách công nhận tư cách thành viên Liên hợp quốc đầy đủ cho Palestine”.
Trong khi đó, Tổng thống Ai Cập El-Sisi khẳng định, Cairo sẽ “tiếp tục hợp tác với các bên xung đột để khôi phục tiến trình chính trị và hòa bình ở Bờ Tây và Dải Gaza”. Cairo đến nay vẫn luôn giữ vai trò trung gian hòa giải truyền thống ở Trung Đông.
Trong bài phát biểu qua video, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh “lập trường rõ ràng của Liên hợp quốc phản đối những hành động đơn phương” khi ông đề cập đến các khu định cư bất hợp pháp ở Đông Jerusalem.
Quốc vương Abdullah II của Jordan, quốc gia đóng vai trò trông coi các thánh địa của người Hồi giáo và Cơ đốc giáo ở Jerusalem, kêu gọi các nhà lãnh đạo Arab “phải thúc đẩy các nỗ lực mạnh mẽ để hỗ trợ khả năng phục hồi cho những người anh em chúng ta” ở các vùng lãnh thổ của Palestine.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố với Quốc vương Abdullah II rằng, Washington ủng hộ “giải pháp 2 nhà nước” trong cuộc xung đột Palestine-Israel.
Theo giải pháp 2 nhà nước, các khu định cư của Israel ở Bờ Tây bị chiếm đóng phải được dỡ bỏ và Jerusalem sẽ được chia tách, song yêu cầu này đã bị phía Israel bác bỏ vì họ coi thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của mình.
Năm 2022 là khoảng thời gian đẫm máu nhất ở Bờ Tây kể từ khi Liên hợp quốc bắt đầu theo dõi con số thương vong tại vùng lãnh thổ này vào năm 2005.
Theo số liệu của hãng tin AFP, kể từ đầu năm 2023 đến nay, cuộc xung đột Israel-Palestine đã khiến ít nhất 43 người Palestine bị tước đi sinh mạng, trong khi 9 dân thường Israel, bao gồm 3 trẻ em, và 1 công dân Ukraine đã thiệt mạng.
Gửi phản hồi
In bài viết