Tổng thống Iran Ebrahim Raisi rời Tehran lên đường công du ba nước Mỹ Latinh.
Theo Hãng thông tấn nhà nước IRNA (Iran), đây là chuyến công du đầu tiên tới Mỹ Latinh của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Trước đó, cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã đến thăm Nicaragua vào năm 2007, trong khi ông Hassan Rouhani là Tổng thống Iran gần nhất đến thăm Venezuela và Cuba vào năm 2016. Đây cũng là chuyến đi “tầm xa” đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Hồi giáo, sau một thời gian dài tập trung củng cố mạng lưới đối tác của Tehran tại khu vực Trung Đông.
Hoạt động đối ngoại của nhà lãnh đạo Iran diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục hình thành các mối liên kết trong nỗ lực ứng phó những khó khăn do chính sách của Mỹ tạo ra. Không khó để nhận ra, cả ba nước đến đều là những quốc gia chia sẻ điểm chung với Tehran trong việc gánh chịu các lệnh trừng phạt nặng nề từ Washington. Hiện nay, Iran và Cuba đều bị chính quyền của Tổng thống Joe Biden liệt vào danh sách các quốc gia “không hợp tác đầy đủ” trong cuộc chiến chống khủng bố.
Thực tế, nhằm đối phó với sức ép của Mỹ và phương Tây, Iran từ đầu thế kỷ cũng đã chủ động mở rộng quan hệ với các nước Mỹ Latinh có chung quan điểm, xem đây như một trụ cột chính trong chính sách đối ngoại. Tehran cũng đầu tư lớn vào các nước trong khu vực này, tập trung vào các lĩnh vực hàng hóa công - nông nghiệp, hợp tác sản xuất ô tô và mua cổ phần một số lượng lớn các nhà máy lọc dầu.
Trong những năm qua, các biện pháp trừng phạt gia tăng càng khiến hợp tác trở nên sâu rộng. Với chính quyền của Tổng thống Nicolás Maduro, Iran được xem là đồng minh không thể thiếu của Venezuela trong quá trình triển khai chiến lược đối ngoại. Năm 2022, Tehran đã lách các lệnh trừng phạt, xuất khẩu dầu thô sang Venezuela, qua đó giúp đối tác này gia tăng đáng kể sản lượng xuất khẩu, có được nguồn lực tái thiết cơ sở hạ tầng năng lượng.
Tháng 2-2023, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã công khai bảo vệ nguyện vọng hạt nhân của Tehran trong buổi làm việc với Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian tại thủ đô Managua. Khi dịch Covid-19 bùng phát, Viện Pasteur của Iran đã liên doanh với Viện Finlay của Cuba để sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 mà Iran gọi là PastoCovac. Gần đây, quan hệ chính trị giữa hai nước cũng trở nên mật thiết hơn.
Nối dài các nỗ lực gắn kết ấy, trong chuyến đi lần này, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, với phái đoàn gồm các bộ trưởng ngoại giao, dầu mỏ và y tế, dự kiến sẽ ký thêm nhiều thỏa thuận với các nước, tăng cường hợp tác chính trị, thương mại, công nghiệp và khoa học. Với Venezuela, đối tác cùng là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn giữa Tehran và Caracas sẽ nằm trong chương trình nghị sự, theo thông tin từ Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohammad Reza Ashtiani, người đứng đầu Ủy ban hỗn hợp Iran - Venezuela.
Với Cuba, ngoài thương mại song phương, hai bên sẽ ký kết thêm các thỏa thuận lớn về khoa học y tế và chăm sóc sức khỏe, cùng với tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong công nghệ và an ninh lương thực. Với Nicaragua, hai bên dự kiến sẽ mở rộng các lĩnh vực hợp tác đã nêu trong một biên bản ghi nhớ mà Ngoại trưởng Amir-Abdollahian đã ký với người đồng cấp Nicaragua Denis Moncada hồi đầu năm nay.
Với mục đích rõ ràng và thiết thực, chuyến đi của Tổng thống Ebrahim Raisi được nhận định sẽ là cơ hội quan trọng để làm sâu sắc hợp tác, chung tay ứng phó những khó khăn hiện tại, đồng thời tiếp tục thể hiện sự năng động trong chính sách đối ngoại của Iran cũng như các đối tác của Tehran trước những áp lực từ quan hệ quốc tế đang biến đổi từng ngày.
Gửi phản hồi
In bài viết